Dệt may trăn trở với cảnh “làm thuê”

Thứ Sáu, 02/10/2015, 10:28
Việc Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên toàn thế giới dự đoán đem lại lợi ích lớn nhất cho ngành dệt may. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mọi sự không dễ dàng như vậy.

Về tổng thể, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ tăng nhanh và đạt những con số tỷ đô “khổng lồ”, nhưng lợi ích có thể không thuộc về các DN trong nước, và chúng ta có thể vĩnh viễn là những người "làm thuê".

Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương): Công nghiệp dệt may có vị trí quan trọng và chủ lực, là ngành dẫn đầu cung ứng ngoại tệ cho đất nước, sử dụng nhiều lao động, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2009-2014 bình quân 18,4%. Chỉ riêng 2014, dệt may đã thu về 24,7 tỷ USD, đóng góp 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, sử dụng trên 2,5 triệu lao động, giải quyết nhiều việc làm nhất trong các ngành công nghiệp. 

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong ngành này, đó là năng suất thấp, trình độ quản lý công nghệ hạn chế, cung ứng nguyên phụ liệu chưa chủ động, chủ yếu là gia công, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu yếu, chưa có sản phẩm và chưa có thị trường của riêng mình mà đang sử dụng sản phẩm, thị trường của người đặt hàng. Thiếu những cái đó, không thể phát triển bền vững.

Việc Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt các FTA đưa dệt may đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu với ưu đãi thuế là cú hích. Việc hội nhập sâu vào thị trường tài chính thế giới giúp DN có khả năng tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ, dòng vốn đầu tư từ nhiều nước có trình độ phát triển cao.

Mặt khác, việc tham gia các FTA cũng loại bỏ những ưu đãi với DN trong nước và tạo bình đẳng trong cạnh tranh, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ… nên ngoài những cơ hội, nó cũng mang lại rất nhiều thách thức. 

Để đối phó, DN phải đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, giảm nhập khẩu, đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ vốn rất chặt chẽ của các FTA. Tuy nhiên, đây là một bài toán hóc búa, khi vốn thiếu, và công nghệ đều phải nhập khẩu.

Ngành này cũng được Nhà nước quan tâm từ sớm. Năm 2008, Chính phủ đã điều chỉnh chiến lược phát triển dệt may, thực hiện 3 chương trình khắc phục điểm yếu bao gồm: Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cây bông… nhưng tiếc rằng không thực hiện được. Vào lúc đỉnh điểm, Việt Nam đã có diện tích trồng bông đến 35.000 ha, cung cấp 10-15 nghìn tấn, nhưng hiện chỉ còn 3.000 ha, cung cấp 3.000 tấn bông. 

Nguyên nhân lớn nhất của sự thất bại này được ông Dũng cho rằng, do chúng ta không tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên phát triển sợi dệt thoi hạn chế. FTA với nguyên tắc xuất xứ rất chặt mang lại cơ hội cho ngành dệt trong nước phát triển, nhưng nếu không tận dụng được, đây sẽ là cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trương Thanh Hà, TGĐ Dệt kim Đông Xuân cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn: Là DN đầu tiên của ngành dệt kim với lịch sử hơn 55 năm, hiện nay DN này xuất khẩu sang Nhật trên 90%. Xuất khẩu tuy tăng, nhưng mong manh. Bà Hà cũng cho rằng, để tận dụng TPP là khó. Mặc dù DN nhìn thấy nguồn vốn lớn đã là một khó khăn, nhưng khó khăn hơn nữa là nguồn nhân lực ở đâu ra để quản trị nhà máy, không chỉ vận hành máy móc trơn tru mà còn cần thay đổi liên tục mẫu mã, thiết kế vải may để chào hàng… Ở Việt Nam hiện mới chỉ có 1, 2 DN làm được việc đó, còn lại còn chủ yếu là làm theo đơn chào hàng. 

Khó khăn thứ ba là nếu phát triển thêm nhà máy sang địa phương khác, việc tìm công nhân may không khó, nhưng công nhân đứng thiết bị đặc chủng đòi hỏi phải qua tào tạo từ 5-7 năm, trình độ tiếng Anh… là rất khó kiếm. Thậm chí cả chủ DN cũng rất yếu khoản ngoại ngữ này, tham gia xúc tiến thương mại, đến đoạn đàm phán là “biến mất”, do… không có ngoại ngữ. Các DN trong nước cũng phải đối mặt với thực tế hiện hữu là khi các DN FDI vào, bằng tiềm lực tài chính, họ sẽ hút sạch lao động lành nghề.

Nam Phương
.
.
.