Đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 31/7, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong công văn này, Ban IV đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó có mô hình “3 tại chỗ”.
Theo Ban IV, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình “3 tại chỗ” được vận hành tương đối hiệu quả. Tại các tỉnh phía Nam, có không ít DN cũng nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các DN, hiệp hội như dệt may, điện tử, gỗ… cho thấy những ngày qua đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy.
Các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các DN khác trên địa bàn.
Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các Hiệp hội đề xuất Thủ tướng một số giải pháp cấp bách. Đó là việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.
Bên cạnh đó, cần thiết có một quy trình phối hợp công – tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch. Đồng thời giúp DN có thể yên tâm vận hành công việc.
Các địa phương yêu cầu DN thực hiện “3 tại chỗ” cần phải xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ”.
Đối với những tỉnh phía Nam đã xuất hiện các nhà máy “3 tại chỗ” có người lao động là F0, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các DN, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và DN.