Đại học Đà Nẵng: Tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn

Thứ Năm, 23/11/2023, 20:21

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đón đầu “làn sóng” chuyển dịch đầu tư và phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đây là ngành công nghệ cao mà nước ta có những tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá, đem lại tăng trưởng kinh tế, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tận dụng cơ hội này, nhất là khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cam kết hợp tác thúc đẩy phát triển công nghiệp chip bán dẫn,

việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC) như đội ngũ kỹ sư, chuyên gia thiết kế, sản xuất, kiểm thử chip bán dẫn… đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đại học Đà Nẵng: Tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn -0
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng (chính giữa) hợp tác hình thành Liên minh các ĐH hàng đầu đào tạo NNL Chip bán dẫn.

Mới đây, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã đăng cai, phối hợp với 5 ĐH, học viện hàng đầu cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo Phát triển NNL CLC ngành công nghiệp chip bán dẫn, thể hiện quyết tâm cao cùng hành động tiên phong, đóng góp phát triển vùng và đất nước.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cùng  ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết Biên bản Hợp tác Liên minh đào tạo nhân lực phát triển công nghiệp chip bán dẫn.

Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, vai trò, sứ mệnh tiên phong của các ĐH hàng đầu đối với sự phát triển đất nước mà còn là sự “hợp lực” để phát huy tiềm năng, thế mạnh, chia sẻ nguồn lực chung trong đào tạo, nghiên cứu đối với lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng cũng đứng trước không ít thách thức mà không phải cơ sở giáo dục ĐH nào cũng đủ khả năng, tiềm lực đảm nhận.

Đại học Đà Nẵng: Tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn -0
Hợp tác với doanh nghiệp và công bố tuyển sinh, đào tạo Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn (từ năm 2024) tại VKU-ĐH Đà Nẵng.

Ngay sau Hội thảo, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (CNTT) và Truyền thông Việt-Hàn (gọi tắt là VKU) thuộc ĐH Đà Nẵng đã chính thức công bố tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế Vi mạch bán dẫn.

Đây là thành quả đến từ sự chuẩn bị bài bản, căn cơ, có lộ trình từ năm 2020, VKU đã chủ động đề xuất Chiến lược đào tạo, nghiên cứu Công nghệ Vi mạch bán dẫn vào Dự án ODA được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư, tài trợ trọng điểm cho Nhà trường 7,7 triệu USD giai đoạn 2022-2026, đại diện lãnh đạo VKU chia sẻ.

Đây là trường ĐH đầu tiên của khu vực miền Trung-Tây Nguyên hoàn thành các thủ tục mở chuyên ngành mới Thiết kế vi mạch bán dẫn (160 tín chỉ, đào tạo trong khoảng 4,5 năm) đảm bảo nền tảng Cơ sở ngành (từ Giáo dục STEM, Toán kỹ thuật, Kỹ thuật số đến Cấu kiện điện tử, Kỹ thuật mạch điện tử, Thiết kế mạch điện tử, Cấu trúc máy tính…) và kiến thức Chuyên ngành như: Thiết kế SoC, Công nghệ chế tạo IC, Thiết kế bộ nhớ bán dẫn, Thiết kế IC tương tự/số, Thiết kế FPGA/VLSI, Quy trình thiết kế IC, DSP, Mạch điện, Trường điện từ, Tín hiệu và hệ thống… trang bị cho người học đủ năng lực chuyên sâu để Thiết kế Vi mạch Bán dẫn.

Dự kiến VKU sẽ tuyển sinh, đào tạo Kỹ sư Thiết kế Vi mạch ngay trong mùa tuyển sinh 2024 sắp đến với 500 chỉ tiêu tuyển mới và khoảng 180 chỉ tiêu chuyển tiếp. Trước đó, Nhà trường đã khởi công, xây dựng Lab Thiết kế Vi mạch (với tổng đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của Dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc); Phòng thí nghiệm Vi mạch bán dẫn (hợp tác với doanh nghiệp đầu tư dự kiến khoảng 25 tỷ đồng)…

Cùng với chuyển động này, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đào tạo, cung ứng NNL phục vụ Công nghiệp Chip bán dẫn. Với bề dày truyền thống, tiềm lực và kinh nghiệm gần 50 năm đào tạo NNL CLC (mỗi năm cung ứng hơn 1000 sinh viên tốt nghiệp từ các khoa, chuyên ngành liên quan như: Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ tiên tiến, Cơ khí), Nhà trường có mạng lưới cựu sinh viên có mặt trên hầu hết các dự án, công trình trọng điểm của khu vực và cả nước, trong đó không ít cựu sinh viên đang đảm nhận các vị trí chủ chốt là lãnh đạo, quản lý và chuyên gia trong các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín.

Đại học Đà Nẵng: Tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn -0
Sẵn sàng nhân lực phát triển công nghiệp chip bán dẫn tạo đột phá góp phần nâng tầm vị thế đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, Nhà trường đã chủ động kết nối, ký MOU quy tụ các chuyên gia quốc tế từ các doanh nghiệp sản xuất Chip của Hoa Kỳ như nhóm Tresemi hỗ trợ xúc tiến xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho sinh viên các chuyên ngành gần nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu “khát” NNL CLC trong lĩnh vực này.

Sự gắn kết “ba nhà” (Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp) là nhân tố không thể thiếu để cộng hưởng từ cơ chế chính sách (thu hút đầu tư, quy tụ chuyên gia giỏi và các nguồn lực, học bổng cho sinh viên…) đến sự “vào cuộc” kịp thời của cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành với ĐH Đà Nẵng góp phần kiến tạo Hệ sinh thái sẵn sàng đào tạo, cung ứng NNL cho Công nghiệp Chip bán dẫn.

ĐH Đà Nẵng đã và đang thực sự khẳng định vai trò là 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho đầu tư chiến lược để phát triển thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với sự quan tâm, đầu tư trọng điểm từ Chính phủ và Bộ GD&ĐT, sự hợp tác đổi mới giáo dục ĐH cùng ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng đang tiếp cận và tận dụng nhiều nguồn lực để cùng tiên phong đảm nhận sứ mệnh đào tạo NNL CLC, tạo đột phá góp phần nâng tầm vị thế đất nước và hội nhập quốc tế.

PV
.
.
.