Cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ Hai, 09/10/2023, 07:57

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng nỗ lực cả từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây.

Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.

Cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn -0
Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn. Ảnh: Như Ý

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cho biết, Mỹ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ô tô, bán dẫn…và hiện tại có rất nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Hoa Kỳ sang các đối tác thân thiện) đã coi Việt Nam đóng vai trò quan trong trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản hỗ trợ không nhỏ từ Đạo luật Chip sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cũng cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn… Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn, theo đó đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành cho rằng, Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 5000 kỹ sư, để thu hút được đầu tư thì chúng ta cần phải đào tạo thêm rất nhiều, ít nhất là gấp 5 lần là 25000 kỹ sư trong vài năm tới. Cùng với đó là hạ tầng. Để đầu tư sản xuất chip, nhà máy phải tiếp cận được sân bay, đường sá phải thông suốt, nguồn điện phải ổn định, đặc biệt là cần nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đây là những thách thức không nhỏ đối với thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao. Để giải bài toán, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao cho Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Phan Đức
.
.
.