Đại học Đà Nẵng nỗ lực thực hiện chủ trương, nhiệm vụ phát triển thành Đại học Quốc gia
Thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chiến lược “phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học (ĐH) Quốc gia đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). ĐH Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn để huy động thêm và tập trung các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Mới đây, Dự thảo Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, chuẩn bị và lấy ý kiến các bộ, ngành, các trường và chuyên gia có đề xuất đến năm 2030, phát triển thêm một số ĐH Quốc gia trên cơ sở các đại học vùng/đại học trọng điểm, trong đó có Đạ học Đà Nẵng. Quy hoạch cũng nêu rõ mục tiêu đưa Đại học Đà Nẵng phát triển trở thành đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã được Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 168/NQ-CP và ngày 02/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg trong đó đều có nội dung chủ trương, nhiệm vụ “phát triển Đại học Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia”. Các tỉnh, thành ủy trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương chiến lược này, đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết.
Việc đưa vào Quy hoạch mục tiêu đến năm 2030 phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia, 1 trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) hàng đầu Việt Nam, có uy tín, vị thế quốc tế trong khu vực và thế giới là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn; phù hợp và thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về GD&ĐT với yêu cầu, sứ mệnh mới là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, 1 trong 3 “đột phá chiến lược” như Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Thực tiễn sau gần 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2023), kế thừa truyền thống gần 50 năm của các trường ĐH thành viên, ĐH Đà Nẵng có những lợi thế, tiềm năng có thể khái quát, đó là:
ĐH Đà Nẵng đã khẳng định được truyền thống, kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến nay, đã cung ứng hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước. Nhiều cựu sinh viên, học viên của ĐH Đà Nẵng thành đạt, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trường học.
ĐH Đà Nẵng đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đóng góp tích cực góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nhất là đối với các ngành kinh tế mũi nhọn điển hình tại miền Trung như: Công nghệ Dầu và Khí (Khu Kinh tế Dung Quất, Nhà máy Lọc hoá Dầu Bình Sơn); Điện lực (Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung); Công nghệ Ô tô (Tập đoàn Trường Hải-Chu Lai) hay Tài chính-Ngân hàng, Du lịch, Giao thông, Logistics…
ĐH Đà Nẵng đã hoàn thiện được mô hình quản trị hai cấp (với 6 trường ĐH thành viên và các viện, khoa, phân hiệu trực thuộc, tương tự mô hình các ĐH Quốc gia hiện nay), “cộng hưởng” tạo nên sức mạnh hệ thống nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực chung với tiềm lực đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học mạnh (gần 2.600 cán bộ, giảng viên; tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ đạt gần 50%, trong đó Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng đạt gần 70%, mức bình quân chung của cả nước là 31%).
Với chính sách cử nhiều cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, mỗi năm ĐH Đà Nẵng có thêm 60-100 tân Tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý (phần lớn trong độ tuổi còn trẻ) có trình độ, năng lực và giàu sức sáng tạo, luôn coi trọng, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất được vun đắp qua nhiều thế hệ.
Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐH Đà Nẵng đã được khẳng định, được các tổ chức kiểm định công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế: Trường ĐH Bách khoa-Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn quốc tế (HCERES Châu Âu), 5/6 trường ĐH thành viên đạt chuẩn quốc gia (chu kỳ 1, 2); 1 trường ĐH thành viên được xếp hạng “4 sao” theo Hệ thống UPM (có đối sánh chất lượng với các ĐH trong khu vực Đông Nam Á).
Với hơn 60.000 sinh viên/học viên, nghiên cứu sinh, lưu học sinh quốc tế, thuộc top các ĐH có quy mô đào tạo lớn nhất, ĐH Đà Nẵng thuộc top 3 ĐH hàng đầu có nhiều chương trình đào tạo kiểm định, đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA của khu vực Đông Nam Á, CTI/ASSIN của Châu Âu) với 95 chương trình đào tạo; thực hiện nhiều đề tài NKCH cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh/thành và tương đương với số lượng công bố quốc tế hàng năm luôn tăng mạnh (đạt gần 0,7 bài/Tiến sĩ, năm), thuộc top đầu các ĐH Việt Nam về đổi mới sáng tạo (theo Bảng xếp hạng Schimago của Scopus). Tạp chí KHCN của ĐH Đà Nẵng đã được đưa vào Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI)…
ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng và đã phát triển được mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng; hợp tác tích cực với các địa phương, các trường, viện và doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước. Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã ký kết, triển khai hợp tác toàn diện với cả 2 ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và là 1 trong 3 ĐH hàng đầu Việt Nam được Chính phủ cho đầu tư (từ nguồn vốn ODA vay Ngân hàng Thế giới), tham gia tích cực Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục ĐH (PHER với các đối tác Hoa Kỳ); tập trung triển khai thành công Dự án xây dựng Khu đô thị ĐH (tại Hòa Quý-Điện Ngọc). Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để nâng tầm, phát triển tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ĐH Quốc gia.
Nhờ có lợi thế được “đóng chân” trên địa bàn TP Đà Nẵng với vị trí chiến lược đã được xác định là “trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên (theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị), ĐH Đà Nẵng càng có điều kiện thuận lợi để thu hút, quy tụ nhân tài (cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học danh tiếng, chuyên gia giỏi và học sinh xuất sắc) từ khắp mọi miền về giảng dạy, học tập, nghiên cứu; đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP Đà Nẵng cũng như vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung bộ và cả nước.
Có thể nói, xây dựng, phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia không phải là để thay đổi danh xưng mà là nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, từ kiến tạo cơ chế, chính sách đến đổi mới, hoàn thiện mô hình quản trị ĐH tiên tiến, được trao quyền tự chủ cao để thực thi sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với nỗ lực và khát vọng lớn, quyết tâm cao, ĐH Đà Nẵng đang phát huy truyền thống, lợi thế và tiềm năng để vượt qua thách thức, khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để đảm nhận sứ mệnh mới là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu, quy tụ các cơ sở giáo dục đại học khác trong vùng phát triển thành cụm ĐH lớn, đảm bảo sự chủ động, cung ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao, tiên phong đào tạo các ngành mũi nhọn như Công nghiệp chip bán dẫn, AI, Du lịch, Công nghệ thông tin, Công nghệ Tài chính Fintech, Logistics…, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, phát triển KT-XH nhanh và bền vững cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.