Vĩnh Phúc đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút hiệu quả dòng vốn FDI

Thứ Ba, 16/06/2020, 10:30
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực quảng bá hình ảnh một điểm đến đầu tư hấp dẫn, cởi mở và quan tâm tới nhu cầu thực của doanh nghiệp Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm đến được nhiều doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước lựa chọn sau đại dịch COVID-19.


Đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh

Đại diện Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, hạ tầng sạch, giao thông thuận lợi, giá thuê đất hợp lý là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của DN FDI cũng như DN trong nước khi tìm hiểu và quyết định đầu tư. 

Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thông qua các việc làm cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc. 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn toàn cầu như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo; Patron Vina, Heasung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan); Weldex (Hoa Kỳ)…

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều DN tên tuổi trong nước, điển hình như: FLC, VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Thép Việt Đức… tất cả những nhà đầu tư này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Vĩnh Phúc.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều DN trong và ngoài nước phải thu hẹp sản xuất, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chọn Vĩnh Phúc là điểm đến tin cậy. Đây là tín hiệu tích cực đối với Vĩnh Phúc. 

Để có được niềm tin của DN, ông Lê Duy Thành cho biết, trong các giải pháp để thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đặt trọng tâm về việc phát triển hạ tầng các KCN, giao mặt bằng sạch cho DN, tạo điều kiện cho DN trong quá trình đến đầu tư một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, những KCN đã đi vào hoạt động thì phát triển theo hướng cuộc sống “xanh”, môi trường làm việc “xanh” để tạo ra một không gian làm việc hiệu quả.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 5.228ha. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,70 ha. Một diện mạo mới đối với các KCN tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua, phải kể đến sự tham gia đầu tư của các công ty phát triển hạ tầng KCN, sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cùng cách thức quản lý chuyên nghiệp đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các KCN, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc.

Trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 8 công ty đầu tư hạ tầng đang hoạt động kinh doanh cho thuê lại đất và mặt bằng nhà xưởng công nghiệp xây sẵn. Trong đó tổng số vốn đầu tư của các công ty hạ tầng DDI hơn 8 nghìn tỷ đồng và FDI hơn 117 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy tính theo diện tích đất công nghiệp quy hoạch là gần 62%, tính theo đất công nghiệp đã GPMB và xây dựng hoàn thiện hạ tầng hơn 83%, cho thấy những đóng góp tích cực của các công ty phát triển hạ tầng công nghiệp đối với tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh.

Hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện giá thuê hợp lý là một trong những điểm hấp dẫn được nhà đầu tư lựa chọn.

Đại diện Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) cho biết, từ khi triển khai dự án KCN Khai Quang (từ 2003 đến nay), chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Không chỉ giúp DN nhanh chóng tiếp cận mặt bằng, nhà xưởng, VPID còn hỗ trợ tối đa các dịch vụ khép kín trong khu, cụm công nghiệp đồng thời miễn giảm phí quản lý, sử dụng hạ tầng giúp DN vượt qua các giai đoạn khó khăn. Bởi vậy, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích trên 216 ha thường xuyên đứng trong tốp đầu về SXKD hiệu quả, với tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp ổn định trên 97%. Mặt bằng tại KCN này luôn được nhiều nhà đầu tư săn đón, đặt hàng. 

Ông Vũ Trường Giang, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Công nghệ Lavitec- đầu tư sản xuất tại KCN Khai Quang- cho biết, số vốn ban đầu không quá lớn, việc thuê lại đất (hoặc nhà xưởng) có sẵn hạ tầng, tạo nhiều thuận lợi cho DN, nhất là những DNNVV như Lavitec. Trong suốt thời gian hoạt động, công ty luôn nhận được chính sách ưu đãi từ nhà đầu tư hạ tầng, điện nước cung cấp ổn định, an ninh trật tự tốt. Vừa qua, công ty đã mở rộng tối đa diện tích nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công việc kinh doanh diễn ra rất thuận lợi.

Gần đây nhất, tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, sau 3 năm thi công giai đoạn I, dự án đã hoàn thành vào tháng 11/2018. Với tiềm lực tài chính, đội ngũ quản lý nhiều kinh nghiệm từ công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, chủ đầu tư đã xây dựng nên một trong những KCN kiểu mẫu của tỉnh Vĩnh Phúc. Hệ thống giao thông, trạm điện, xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại tạo nên điểm nhấn về hạ tầng công nghiệp, gây ấn tượng mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư khó tính. 

Tính đến tháng 6/2020, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 19 dự án FDI, chủ yếu đến từ Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư gần 410 triệu USD, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%. Trong đó, có 14 dự án đã được cấp phép đầu tư, 6 dự án đăng ký giữ chỗ. 

Ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, khu công nghiệp này còn thu hút được một số dự án của các nhà đầu tư Đài Loan, Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử.

Với những lợi thế sẵn có, thời gian tới, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên những nhà đầu tư có dây chuyền công nghệ cao, thuộc các lĩnh vực IT, Automobile...; các ngành nghề, lĩnh vực không gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến KCN hoàn thành, sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, trong số 9 dự án FDI cấp mới, tổng vốn đăng ký trên 24,9 triệu USD trong 5 tháng đầu năm thì khu công nghiệp Thăng Long thu hút được 2 dự án, tổng vốn đăng ký 16,8 triệu USD, chiếm gần 68% tổng vốn đầu tư FDI. Hai dự án này đều thuộc các nhà đầu tư Nhật Bản và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. 

Ngoài ra, khu công nghiệp Thăng Long cũng thu hút được 1 dự án DDI là dự án CNC TECH Thăng Long, tổng vốn đầu tư 293 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay trong tháng được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty cổ phần CNC TECH đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 293 tỷ đồng lên 306 tỷ đồng để xây nhà máy, nhập thêm thiết bị hiện đại sản xuất, đúc ép các sản phẩm nhựa công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, sản xuất, gia công các sản phẩm kim loại, cơ khí chính xác, khuôn mẫu.

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19 nhưng hết tháng 3/2020, Công ty đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng giai đoạn 2 của dự án, vượt tiến độ đề ra 2 năm. Đặc biệt, đến thời điểm này, giai đoạn 2 của khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 5 dự án đầu tư, trong đó, một số nhà đầu tư đã và đang bắt vào xây dựng nhà máy để đi vào hoạt động ngay trong năm 2020. Với tốc độ này, chỉ trong khoảng 3 đến 5 năm tới, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ lấp đầy 100% diện tích, đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho từ 40.000-50.000 lao động.

Theo Ban Quản lý các KCN, hiện nay giá thuê mặt bằng nhà xưởng xây sẵn khoảng 3-4 USD/m2/tháng, giá thuê lại đất khoảng 70 USD/m2/đời dự án. So với một số tỉnh thành lân cận có hệ thống hạ tầng tương đương thì mức giá này khá ưu đãi.

Xây dựng môi trường sống “xanh” ở KCN

Trên thực tế, trong thời gian qua với những cố gắng không ngừng của các nhà đầu tư hạ tầng; các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc và nỗ lực cải thiện bộ máy chính quyền điện tử đã và đang kiến tạo, xây dựng nên một môi trường thu hút đầu tư có tính cạnh tranh cao. 

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động SXKD, tăng cường các giải pháp xử lý nước thải, chất thải... theo quy định, các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tạo mảng xanh trong khuôn viên, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Môi trường làm việc xanh đang được nhiều DN quan tâm, đầu tư.

Hưởng ứng phong trào sống xanh, Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, KCN Bá Thiện (Bình Xuyên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công linh kiện điện tử cũng đã đầu tư trồng nhiều loại cây xanh, thảm cỏ... trong khuôn viên và xung quanh công ty. 

Từ đó, góp phần làm dịu không khí trong những ngày nắng nóng, tạo không gian tươi mát, môi trường làm việc trong lành, nâng cao sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra, công ty còn xây dựng sân bóng, khu vực nghỉ ngơi cho công nhân, giúp khơi dậy tinh thần, tái tạo sức lao động sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ở góc độ vận hành dịch vụ KCN, anh Đào Xuân Hào, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư Vĩnh Phúc - đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành phân khu 2 KCN Bá Thiện cho biết: “Trong tổng số diện tích 54ha của phân khu 2 thì có tới 15ha dành cho việc trồng cây xanh, thảm cỏ. Nhằm đảm bảo KCN luôn sạch sẽ, trung tâm thuê 1 đơn vị thường xuyên quét dọn các tuyến đường nội khu, duy trì việc chăm sóc, cắt tỉa hệ thống cây xanh, tạo cảnh quan môi trường KCN xanh, sạch, đẹp”.

Là một DN đầu tư KCN, luôn hướng tới phát triển xanh, bền vững, Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản, Chủ đầu tư KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã tập trung vào việc đầu tư hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh…, nhằm tạo “lá phổi xanh”, giảm đi cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng. 

Theo đó, công ty đã dành 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Khuôn viên KCN hiện đang trồng nhiều loại cây xanh có tán rộng, tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra, trong các tuyến đường nội khu, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái. Việc trồng, chăm sóc cây xanh trong môi trường công nghiệp hiện nay đã và đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi đơn vị, doanh nghiệp. 

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục cải thiện cảnh quan, không chỉ giúp KCN trở nên mát mẻ, bớt ô nhiễm mà còn nâng cao tính thẩm mỹ, tăng sự hấp dẫn cho KCN. 

Với sự đầu tư bài bản, đồng bộ cùng không gian xanh giúp điều hòa không khí, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được kỳ vọng trở thành một KCN kiểu mẫu với môi trường làm việc thân thiện, tạo bước đột phá trong bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh.

PV
.
.
.