Tổng Công ty Truyền tải điện ứng dụng tiến bộ khoa học vào vận hành lưới điện

Thứ Bảy, 16/12/2017, 06:55
Hưởng ứng chủ đề “Đẩy mạnh khoa học - công nghệ” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát động, xác định khoa học công nghệ là chìa khóa cho phát triển bền vững, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã nỗ lực triển khai, ứng dụng nhiều đề tài, giải pháp, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả vận hành, tăng độ ổn định, an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải. 


Trạm biến áp 500kV Tân Ðịnh (Bình Dương) nằm trên trục truyền tải Bắc - Nam, có vai trò quan trọng trong đảm bảo cấp điện cho miền Nam. Cuối năm 2016, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) tiến hành thiết lập trung tâm điều khiển từ xa tại trạm, nhằm giám sát, vận hành các trạm biến áp (TBA) 220kV Mỹ Phước, Uyên Hưng, Thuận An (đều thuộc Bình Dương) và Trảng Bàng (Tây Ninh) ngay tại TBA 500kV Tân Ðịnh.

Việc đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa, tích hợp khoa học công nghệ giúp tiết kiệm một nửa số nhân lực vận hành. Được biết, đơn vị vận hành đang tiến tới ứng dụng TBA không người trực, nâng cao rõ rệt hiệu quả vận hành.

Ðể phục vụ công tác vận hành hệ thống điện, xác định chính xác vị trí sự cố trên đường dây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố nhanh chóng và giảm các chi phí trong quá trình kiểm tra sau sự cố, việc trang bị, lắp đặt các thiết bị định vị sự cố trên các cung đoạn đường dây là hết sức cần thiết.

Các cán bộ EVN kiểm tra thiết bị điện đảm bảo vận hành an toàn

Hiện nay, Công ty Truyền tải điện Miền Ðông 2 được trang bị thiết bị định vị sự cố cho ba tuyến gồm đường dây 500kV Tân Ðịnh - Di Linh (175 km) và đường dây 220kV Bình Long - Ðắk Nông mạch 1 và 2 (128km). Thiết bị giúp tìm ra sự cố nhanh nhất, đặc biệt khi đường dây qua vùng núi hiểm trở, đầm lầy... rút ngắn thời gian khắc phục, bảo đảm vận hành an toàn liên tục. Được biết, hệ thống định vị sự cố này nằm trong gói đầu tư của toàn Tổng công ty với tổng trị giá 144 tỷ đồng cho 69 tuyến.

Hiện EVNNPT cũng ứng dụng bản đồ vệ tinh để phát hiện sự cố với sai số chỉ vài chục mét.

Các đơn vị như Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đang tích cực ứng dụng flycam (thiết bị bay không người lái) để tăng cường giám sát, quản lý vận hành. Với đặc thù phải quản lý khối lượng lớn đường dây truyền tải trải dài với nhiều địa hình phức tạp, bị chia cắt thành nhiều vùng, từ rừng rậm, núi cao đến đồng bằng, sông, hồ..., qua đó giảm thời gian kiểm tra, hạn chế nguy hiểm, vất vả cho đội ngũ cán bộ, công nhân.

PTC2 đang triển khai nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp Tổng công ty: "Ứng dụng flycam trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải". PTC2 đã phối hợp làm việc với Công ty TNHH MTV Trắc địa bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng) lập đề cương chi tiết đề tài và trình EVNNPT phê duyệt. Công ty cũng đã kiến nghị và xúc tiến làm việc với Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) tạo điều kiện cấp phép bay flycam trong hành lang lưới điện truyền tải.

Một trong những thành công nổi bật của EVNNPT thời gian gần đây là việc nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa điều khiển TBA 500kV. Trước yêu cầu cấp bách vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, Tổng công ty đã tuyển chọn những kỹ sư giỏi ở các đơn vị để cử đi đào tạo ở hãng Siemens (Ðức). Các kỹ sư đã làm chủ phần việc phức tạp như lắp đặt thiết bị máy biến áp 500kV và hệ thống điều khiển tích hợp Sicam-PAS - chuẩn mới nhất, tiên tiến nhất thế giới về điều khiển tự động do Siemens thiết lập.

Đây là hệ thống nhằm thay thế hệ thống điều khiển truyền thống (thao tác vận hành, đóng cắt trực tiếp tại các tủ thiết bị của TBA) sang điều khiển bằng máy tính, tiến tới TBA không người trực, xu hướng phát triển của lưới điện thông minh hiện nay.

Mặc dù mới thành lập từ tháng 5-2017, nhưng mô hình Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) do EVNNPT thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị kỹ thuật bước đầu đã có những kết quả tích cực. Hiện, công ty có năm kỹ sư trẻ có chứng chỉ của Siemens.

V.H
.
.
.