Chủ doanh nghiệp nước ngoài nợ lương, bỏ trốn: Không chỉ công nhân lãnh đủ

Thứ Sáu, 16/03/2018, 20:57
Tình trạng chủ doanh nghiệp  nước ngoài (DNNN) nợ lương bỏ trốn diễn ra nhiều năm nay. Nhưng mỗi khi sự việc xảy ra, các cơ quan quản lý vẫn lúng túng, bị động trong xử lý. 


Gần đây, câu chuyện này lại “nóng” trở lại, khi có 2 chủ DNNN biệt tăm, để lại những hệ lụy phức tạp về đời sống và việc làm cho cả nghìn người lao động. Vậy phải làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa thu hút vốn đầu tư và quản lý các DNNN, nhất là doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp (FDI)?

Công ty KL Texwell Vina có vốn đầu tư Hàn Quốc, được thành lập cuối tháng 12-2015, có trụ sở tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Công ty này có số lao động trên 1.900 người, chuyên sản xuất hàng  may mặc. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, bất ngờ, chủ doanh nghiệp cùng 11 cán bộ quản lý người Hàn Quốc đã rời khỏi Việt Nam về Hàn Quốc.

Điều đáng nói là, trước khi Ban lãnh đạo công ty này về nước, doanh nghiệp đang nợ lương tháng 1-2018 của 1.900 công nhân, với số tiền gần 13,7 tỷ đồng. Công ty cũng nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 8-2017 đến nay với tổng số tiền 17,5 tỷ đồng. Để ổn định đời sống và việc làm cho công nhân, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải ứng tiền ngân sách, trả một phần lương cho người lao động; một số DN cũng đã tiếp nhận số công nhân bị mất việc làm.

Trụ sở Công ty KL Texwell Vina.

Hiện nay, sau khi xác định chủ DN đã bỏ trốn, chính quyền tỉnh đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Công ty này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trước đó ít ngày, hơn 600 công nhân Công ty may Nam Phương, có trụ sở tại khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã tụ tập trước trụ sở DN này để “canh gác”, không cho công ty tẩu tán tải sản. Họ yêu cầu lãnh đạo Công ty trả đủ lương mới tiếp tục làm việc.

Sự việc xảy ra sau khi công nhân nghi vấn chủ Công ty có vốn Hàn Quốc này có dấu hiểu bỏ trốn vì không thấy xuất hiện tại DN? Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, Công ty Nam Phương hiện nợ Bảo hiểm xã hội nhiều năm với số tiền lên đến 26,6 tỷ đồng.

Trường hợp chủ DNNN nợ lương người lao động bỏ trốn đã diễn ra nhiều năm nay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, đã có hàng trăm doanh nghiệp FDI bỏ lại tài sản  và các nghĩa vụ tài chính để về nước mà không có bất kỳ thông báo nào. Điều này, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động, còn để lại các khoản nợ như thuế, bảo hiểm xã hội, nợ tiền ngân hàng và các đối tác trong quá trình  giao dịch mua bán hàng hóa.

Trong cơ chế thị trường, DN làm ăn thua lỗ, đổ bể là lẽ thường tình; nhưng cái bất thường là cách ứng xử của chủ doanh nghiệp khi công ty làm ăn thua lỗ. Vậy vì sao  lại có tình trạng chủ DN có vốn FDI bỏ trốn?

Trước hết, là do chủ trương thông thoáng trong thành lập DN, dẫn tới DN không cần vốn pháp định cũng được thành lập. Vốn điều lệ khi thành lập chỉ là cam kết góp vốn trên giấy, thực tế không có chế tài hậu kiểm nên một số DN không có năng lực tài chính vẫn thành lập để hoạt động. Đến khi gặp rủi ro về đầu ra, ứ đọng vốn dẫn tới phá sản. Theo qui định của pháp luật, khi chấm dứt hoạt động do mất năng lực tài chính, DN phải tuyên bố phá sản, nhưng qui trình tuyên bố phá sản tại Tòa án khá phức tạp, lại kéo dài dẫn tới DN không mặn mà thực hiện.

Hơn nữa, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào qui định về chủ DN nước ngoài bỏ trốn, qui định từ khái niệm DN có chủ bỏ trốn đến qui trình tổ chức thanh lý tài sản, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động và các khoản nợ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ các tổ chức tín dụng… Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật nêu trên, cần có cơ chế buộc các chủ DN lấy quỹ đặt cọc tiền, nhất là doanh nghiệp FDI thông qua báo cáo thuế để kiểm tra hoạt động kinh doanh.

Theo đó, nếu doanh nghiệp 2 lần liên tiếp không thực hiện báo cáo thuế thì báo ngay cho cơ quan đăng ký kinh doanh để kiểm tra. Đồng thời, cần phối hợp với nước ngoài mà chủ DN có quốc tịch có chế tài xử lý đối với chủ các doanh nghiệp bỏ trốn, thậm chí, có thể xử lý hình sự chủ DN bỏ trốn, chiếm đoạt tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nợ các tổ chức tín dụng. 

Đào Minh Khoa
.
.
.