Thúc đẩy các biện pháp để kích cầu tiêu dùng
- Việt Nam là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới
- Tháng 7-2019, trình đề án thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến. Đây là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng, giàu sức phát triển, thậm chí thúc đẩy nhanh hơn phương thức kinh doanh số.
Bên cạnh đó, với những nỗ lực từ cơ quan quản lý cho tới doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong việc đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đã góp phần ổn định thị trường bán lẻ, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị được dự trữ tăng lên nhiều lần so với ngày thường, giá cả ổn định.
Theo đó, trong tháng 9, sức mua đã tăng lên, thị trường bán lẻ đã bắt đầu sôi động trở lại. Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2020 đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo nhu cầu hàng hoá sẽ tăng rất cao vào dịp cuối năm. |
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho rằng, để kích cầu tiêu dùng trong nước, 50 siêu thị BRG Mart/ HaproFood đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại như: Tuần lễ trái cây Việt, Tuần lễ thời trang Việt, Tuần lễ thịt heo Mỹ tăng nguồn cung, giúp bình ổn giá thịt heo trong nước... với mức giảm giá từ 5-50%.
Bên cạnh đó, tại các hệ thống siêu thị Minimart thuộc BRG Mart tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đã liên kết và kết nối đưa nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao vào hệ thống phân phối.
Theo nhận định của các chuyên gia bán lẻ, thị trường bán lẻ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng từ truyền thống sang mua sắm online và ship hàng tận nơi. Tuy nhiên, thương mại điện tử sẽ không lấy mất thị phần của bán lẻ truyền thống mà là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt xu hướng số này để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, trước đây Co.opmart đã triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà nhưng chỉ chiếm rất ít so với doanh số bán tại các địa điểm siêu thị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà dịch vụ giao hàng tận nhà của đơn vị tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30 - 40 đơn hàng/ngày thì nay có những ngày trên 100 đơn hàng và áp dụng chế độ free ship với những đơn hàng từ 200 nghìn đồng ở khu vực nội thành.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cũng cho hay, nhằm tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng được tốt nhất, ngay trong đợt dịch, Big C đã tăng tăng cường hình thức mua sắm online và hợp tác cùng một số sàn thương mại điện tử với nhiều hình thức ưu đãi được thực hiện liên tục từ tháng 2-2020 đến nay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, đến thời điểm này, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho thành phố. Hà Nội cũng xác định phối hợp với các địa phương phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội, để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng Thủ đô.
Ông Trần Duy Đông cho rằng, Hà Nội và TP HCM đều là các địa phương lớn, có sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Vì vậy, việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, tạo sự lưu chuyển, hỗ trợ các địa phương lân cận tiêu thụ tốt hàng hóa.
Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ còn dư địa rất lớn, các doanh nghiệp cần khai thác tốt thị trường nội địa, đây cũng là dịp để hàng Việt khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, gấp rút thực hiện sản xuất các sản phẩm để thay thế sản phẩm nhập khẩu.