PVN giữ vai trò nguồn lực kích thích nền kinh tế phát triển

Thứ Tư, 27/09/2017, 08:22
Trong bối cảnh ngành dầu khí đang ở thời điểm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh và cả những bê bối nội bộ, Tạp chí Cộng sản và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập” với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong ngành, các nhà khoa học và đại diện cơ quan quản lý nhà nước.


TS Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho rằng: PVN sau thời kỳ hoàng kim ở thập niên đầu thế kỷ 21, khi giá dầu đạt mức đỉnh cao trên 100 USD/thùng kéo dài, hiện đang lâm vào “cơn bão khủng hoảng nặng nề nhất từ trước tới nay”. Sự phát triển nóng, đa ngành, đầu tư ngoài ngành, đặc biệt ở những ngành đầy rủi ro, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đã bộc lộ nhiều “tử huyệt” trong đầu tư và quản lý đầu tư, quản trị doanh nghiệp, giám sát tài chính, kinh doanh của PVN. Thất bại này càng trầm trọng khi giá dầu rớt đáy kéo dài. Có rất nhiều khó khăn mà PVN đang phải đương đầu, nhưng TS Ngô Thường San nhấn mạnh đến rủi ro trong thăm dò khai thác.

Với đặc thù có tính rủi ro cao, hiện Việt Nam phải khoan 3 – 4 giếng mới phát hiện 1 giếng có giá trị thương mại (xác suất 25% - 30%). Theo ông San, chi phí này cần phải xem xét là một chi phí rủi ro, nhưng Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) lại không được trích lập rủi ro thăm dò, nên thành nợ xấu, chịu lãi hàng năm. Nghịch lý là để đảm bảo sản lượng dầu khí thì cần phải gia tăng trữ lượng thăm dò, nhưng càng mở rộng thăm dò thì nguy cơ tỷ lệ nợ xấu càng tăng. Đó là một rủi ro rất lớn của ngành dầu khí. 

Ngành dầu khí đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ ngày thành lập.

Theo ông San, nhiều mỏ dầu truyền thống, chủ lực như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây... cung cấp gần 500 triệu tấn dầu quy đổi đã qua giai đoạn đỉnh sau 20 – 30 năm khai thác, trong khi mỏ mới đưa vào khai thác chậm do mỏ nhỏ và thiếu vốn. Chi phí phát triển khai thác cao, không đủ bù đắp cho sự suy giảm sản lượng chung của toàn tập đoàn, đội giá thành thăm dò và khai thác, trong khi giá thế giới đang sụt giảm. Do thiếu vốn thăm dò nên ngành dầu khí đang lâm vào cảnh mất cân đối trầm trọng giữa trữ lượng gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”. 

Chất lượng của trữ lượng gia tăng hiện cũng chưa tốt, khi tồn đọng trữ lượng gia tăng nhưng không chuyển sang khai thác được, giá thành thiếu sức cạnh tranh. Hoạt động dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông dưới 100m, để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến 1.500m, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhân lực của trình độ kỹ thuật và công nghệ cao – điều mà PVN chưa có. Chưa kể đến, vùng biển Đông nhiều rủi ro về an ninh chính trị, về lâu dài sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư.

Ông Phan Ngọc Trung - Ủy viên Hội đồng Thành viên PVN cũng thừa nhận: Hiện tiềm năng dầu khí của chúng ta không nhiều và phần lớn nằm ở biển Đông. Theo ông Trung, đến nay, chúng ta xác nhận trữ lượng khoảng 750 triệu tấn, (tuy con số về trữ lượng có thể thay đổi, không phải con số tĩnh), nhưng với trình độ và điều kiện của ngành dầu khí hiện nay, chúng ta đã khai thác đưa vào sử dụng hơn 430 triệu tấn, tức là hơn một nửa trữ lượng. Về khí, Việt Nam xác định trữ lượng khoảng hơn 730 tỷ m3, thì hiện đã khai thác 170 tỷ m3. Tức là “trữ lượng không như chúng ta mong muốn, đâu đó chỉ còn những mỏ nhỏ” – ông Trung nhấn mạnh. 

“Đúng là dầu khí đã đóng góp lớn cho đất nước khi chúng ta nghèo (có thời điểm đóng góp lên tới 22% - 25% ngân sách, theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Vusta). Dù là người làm dầu khí, nhưng tôi không mong muốn dầu khí chiếm 15 – 20% GDP, không phải vì chúng tôi không có chí tiến thủ, mà trữ lượng dầu có vậy mà tỷ trọng quá lớn thì nền kinh tế của chúng ta có vấn đề. Tôi muốn ngành dầu khí phát triển, nhưng tôi muốn ngành khác còn phát triển  hơn” – ông Trung bày tỏ. Ông này cho rằng, ngành dầu khí sẽ phải tự đứng lên, tiếp tục đóng vai trò “driving force” – tức là một nguồn lực kích thích nền kinh tế phát triển, chứ không phải chiếm tỷ lệ lớn trong GDP hay ngân sách.

Theo PGS. TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: PVN phải đổi mới mô hình quản trị, tăng cường chế biến trên nền tảng khai thác. “Cú sốc giảm giá dạy chúng ta bài học rằng nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên mà không tăng cường chế biến, phân phối, thì khi giá giảm 1 nửa, toàn bộ kế hoạch của chúng ta sẽ bị giảm một nửa giá trị. Cho nên, thay đổi là yêu cầu bắt buộc” – PGS Chung nhấn mạnh. 

Ông cũng cho rằng “việc gần như quan trọng nhất đối với ngành dầu khí là đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. “Suy cho cùng, nguồn nhân lực là vốn tốt nhất mà chúng ta có được. Nếu không nâng cao được năng lực 60.000 con người của ngành thì sẽ không bắt kịp với hội nhập, không đáp ứng được cạnh tranh và rất khó thắng lợi”.

Đây cũng là điều GS. TSKH Hồ Sĩ Thoảng –Nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVN) nhấn mạnh: Chúng ta có thể thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nhưng chúng ta không thiếu con người. 

“PVN hiện đang gặp một số khó khăn, đơn cử giá dầu giảm mạnh nhưng giá dịch vụ không xuống. Nhưng chúng tôi cũng đã trải qua giai đoạn giá dầu xuống. Năm 1998 – 1999, dầu xuống có 9 đô – la/thùng, nhưng chúng tôi vẫn trụ được, vì chúng tôi có quan hệ rất tốt với các đơn vị mua dầu. Giờ giá dầu đã lên rồi, có thể sẽ đạt khoảng 50 – 60 đô – la/thùng, tức là mức chúng ta có khả năng chịu được” – GS Thoảng nhấn mạnh.

Vũ Hân
.
.
.