Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào ASEAN

Thứ Hai, 21/08/2017, 08:17
Không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện đang rất muốn thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN, nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Mới đây, được sự ủy nhiệm của Bộ Công Thương, lần đầu tiên hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) đã tổ chức đoàn DN mang sản phẩm Việt giới thiệu đến 10 nước ASEAN tại Hội chợ Quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ diễn ra ở Thái Lan.


Việc “đem chuông đi đánh xứ người” lần này của DN Việt Nam là cơ hội để DN tìm hiểu về thị trường, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của các nước. Từ đó để có những bước đi phù hợp khi thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN...

Sau chuyến tham gia hội chợ Quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ tại Thái Lan, nhiều DN đã rất hồ hởi vì không ngờ rằng hàng Việt lại được thị trường ASEAN ưa chuộng đến như vậy. 

Tại sự kiện này, Vinamit chọn những sản phẩm trái cây organic sấy lạnh đã đạt chuẩn xuất vào các thị trường khó tính ở châu Âu và Mỹ…để giới thiệu đến các đối tác trong khu vực ASEAN và người tiêu dùng (NTD) Thái Lan. Chỉ sau 3 ngày trưng bày, sản phẩm của Vinamit đã "cháy hàng" và nhiều đối tác đặt vấn đề làm ăn với Vinamit, trong đó có hai chuỗi bán lẻ lớn là BJC và Central. 

Đại diện Vinamit cho rằng, qua hội chợ này cho thấy, người Thái thích những món ăn lạ miệng như: Mãng cầu sấy dẻo và sản phẩm này chỉ Việt Nam mới có. Hay món xoài sấy dẻo của Việt Nam với ưu điểm vẫn giữ được hương vị ngọt tự nhiên nên cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái... Biết rõ được thị hiếu của NTD Thái, thì DN mới có cơ sở để xây dựng chiến lược để xâm nhập vào thị trường này.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với đối tác Thái Lan.

Thành công tại thị trường nội địa, nay Biti's Hunter cũng đưa sản phẩm sang Thái Lan để chào hàng các nước ASEAN. Sau chuyến xâm nhập thị trường nước ngoài, ông Cường Nguyễn, Giám đốc nhãn hàng Bitis Hunter và Phụ trách thị trường Quốc tế cho biết, có 7 nhà phân phối sỉ lẻ, trong đó có tập đoàn bán lẻ lớn bậc nhất là Central Group (đơn vị sở hữu BigC và các chuỗi siêu thị Robison, Tesco Lotus...) đặt vấn đề ký hợp đồng với Biti's. 

Đại diện Biti's cũng cho biết, các đối tác Thái nhận định Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau về phân khúc thị trường. Vì vậy, Thái Lan chính là thị trường tiềm năng với Biti's bởi họ cần giá cả hợp lý, chất lượng tốt mà Biti's đang theo đuổi. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Biti's. Tuy nhiên, đây là thị trường mới nên khi đầu tư khai thác vào thị trường này, DN cũng phải hết sức thận trọng.

Đại diện Hội DN HVNCLC cho biết: Trong buổi khai mạc Hội chợ, Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-Ocha đã ghé thăm Ngôi nhà chung Quốc gia Việt Nam và trò chuyện với các DN Việt. Tại đây, ông ấn tượng đặc biệt với những sản phẩm gạo hữu cơ Việt Nam, sau khi lắng nghe các DN Việt giới thiệu về các loại gạo hữu cơ như Trung An, Hoa sữa Foods, gạo ST..., đều được chứng nhận bởi USDA, IOFAM,… chứng nhận quốc tế. 

Ngoài ra, đoàn DN Việt còn tiếp ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội doanh nhân Thái - Việt Nam đến tham quan, làm việc: “Hiện nay, chúng tôi cũng có chủ trương tìm kiếm và nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ Việt Nam vào thị trường Thái. Kể cả người dân Thái cũng rất thích các sản phẩm đến từ Việt Nam. Những sự kiện như thế này chính là nơi chúng tôi có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai nước một cách dễ dàng hơn. Hứa hẹn nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ được đưa đến NTD Thái và Asean”, ông Sanan Angubolkul khẳng định.

Với những phản hồi bước đầu cho thấy, có nhiều sản phẩm Việt đang rất được thị trường ASEAN, đặc biệt là NTD Thái Lan ưa chuộng. Tuy nhiên, để thành công tại thị trường này thì DN Việt Nam cần phải làm gì? 

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về thị trường bán lẻ và nhượng quyền cho rằng: Có đi làm 100 hội chợ, hay nhiều hơn nữa mà tư duy tiếp cận thị trường không thay đổi thì DN Việt Nam sẽ mãi quanh quẩn trong nước, không xuất khẩu và thâm nhập được các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, DN phải có tư duy về thị trường, sau đó là làm chiến lược kế hoạch.

 “Triển lãm là một kênh để DN xúc tiến thương hiệu. Vì vậy, DN phải chuẩn bị sản phẩm thương hiệu chứ không thì sẽ thất bại. Những thương hiệu lớn khi muốn xâm nhập vào thị trường nào thì họ chuẩn bị cả 1 năm trời, chứ không chỉ bước đi và bán sản phẩm. DN cần phải học những công ty lớn đó”, bà Vân khẳng định.

Đã từng thành công tại thị trường ASEAN, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Qui Phúc cho rằng, DN coi Myanmar là thị trường vàng của ASEAN. Bởi, hàng hóa sản xuất trong nước còn ít, nên người dân Myanmar rất thích các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng. Đáp ứng yêu cầu này nên đây là cơ hội tốt để hàng Qui Phúc xâm nhập thị trường. Ngoài Myanmar, Qui Phúc cũng đã thâm nhập thành công thị trường Campuchia và hiện đang thâm nhập sâu vào thị trường Thái Lan, Maylaysia.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với đối tác Thái Lan.
Thúy Hà
.
.
.