Cổ phần hóa ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp:

Không để thất thoát tài sản nhà nước

Thứ Năm, 26/05/2016, 08:52
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa và Đề án: “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015”, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa thành công. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau mà thời gian cổ phần hóa bị kéo quá dài, quá trình cổ phần hóa phức tạp, gây khiếu kiện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp. Nhưng, hiện đang có nhiều dư luận xung quanh vấn đề cổ phần hóa ở doanh nghiệp này.

Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cần chuẩn và minh bạch

Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vốn là một doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp, cung ứng một khối lượng lớn phân bón hóa học và các loại vật tư chuyên dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Có nhiều dư luận trong quá trình cổ phần hóa ở Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp.

Năm 2010 Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (VTNN) chuyển đổi sang tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con và chuyển Công ty mẹ Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn Nhà nước.

Ngày 28-4-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 723/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng Công ty VTNN. Theo phương án này, Tổng Công ty VTNN cổ phần hóa sẽ kế thừa các ngành nghề kinh doanh của tổng công ty cũ. 

Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 220 tỷ đồng tương ứng với 22.000.000 cổ phần. Trong đó, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong tổng công ty chiếm 1,08% vốn điều lệ; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn chiếm 0,05%; cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường chiếm 28,87%; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 15.400.000 cổ phần, chiếm 70% vốn điều lệ.

Tại Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 3-2-2016, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất cụ thể nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn, đề xuất nhà đầu tư chiến lược đã phát sinh vấn đề phức tạp, trong đó có phản ứng của một số doanh nghiệp vốn đã hợp tác làm ăn với Tổng Công ty VTNN.

Bởi vậy, tại Quyết định số 723/QĐ/TTg, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt nhà đầu tư chiến lược của Tổng Công ty VTNN mà yêu cầu “Bộ NN&PTNT rà soát, báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình tổ chức lựa chọn và đề xuất cổ đông chiến lược của Tổng Công ty VTNN, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết”. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty VTNN tiếp tục xử lý những tồn tại về tài chính liên quan đến giá trị doanh nghiệp, đất đai, lao động và thực hiện các công việc cần thiết.

Ai chịu trách nhiệm với khoản nợ khó đòi?

Trong Quyết định số 3950/QĐ-BNN-QLDN ngày 5-10-2015 Bộ NN&PTNT đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa là hơn 363,5 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 117 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm là có tới hơn 61,7 tỷ đồng là công nợ không có khả năng thu hồi. Số tài sản này được Bộ NN&PTNT quyết định không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Theo quyết định trên, toàn bộ công nợ phải thu khó đòi được Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty VTNN chủ động bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Điều đó có nghĩa là món nợ đã được đẩy sang cho Nhà nước và khó thu hồi được.

Dư luận cho rằng, Tổng Công ty VTNN phải có trách nhiệm với khoản công nợ phải thu khó đòi này. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, vậy thì khi số vốn đó bị mất mát (chuyển thành công nợ khó đòi) thì phải quy trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, trong công bố thông tin về doanh nghiệp cho thấy nợ thực tế phải trả (hơn 245 tỷ đồng) cao hơn hẳn các khoản phải thu cả trăm tỷ đồng (121 tỷ đồng). Nghĩa là có một khoản chênh lệch 109 tỷ đồng, ngoài 61,7 tỷ đồng công nợ khó đòi thì còn một khoản lớn nữa là gì?.

Tổng hợp kết quả kinh doanh năm 2014, vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán của Tổng Công ty VTNN có hơn 226 tỷ đồng, nhưng sang năm 2015, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước chỉ còn hơn 117 tỷ đồng. Vậy nguyên nhân nào làm cho số vốn Nhà nước bị giảm tới gần một nửa như trên?  

Có hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với công tác quản lý kinh tế ở Tổng Công ty VTNN. Mặc dù giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa đã được công bố, được Bộ NN&PTNT phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng dư luận cho rằng cần phải xem xét lại vấn đề tài chính của Tổng Công ty VTNN để minh bạch lại tài chính ở doanh nghiệp này trong quá trình cổ phần hóa, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Để có câu trả lời phần nào các vấn đề trên, PV Báo CAND đã đến Tổng Công ty VTNN đề nghị gặp người có trách nhiệm ở đây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được lời hẹn của lãnh đạo tổng công ty như đã hứa. Rất mong các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm làm rõ vấn đề này.

PV

.
.
.