Việc thoái vốn tại Cienco 5 Land có làm thất thoát tài sản Nhà nước?

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:30
Sau khi Công ty Hải Phát không chuyển tiền để mua 51% cổ phần Công ty CP Đầu tư xây dựng địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) như thoả thuận, các cổ đông (ngoài cổ đông Nhà nước) tại Cienco 5 Land đã bán cổ phần cho Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh.


Lúc này, ông Lê Quang Vinh - người đại diện phần vốn của Công ty Hải Phát tại Tổng Công ty XDCTGT 5 đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT kiểm tra quá trình thoái vốn của Tổng Công ty tại Cienco5 Land từ nhiều năm trước vì “lo ngại” việc thoái vốn đó làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Trụ sở Cienco 5 tại Đà Nẵng.

Với tư cách nắm cổ phần chi phối tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), đại diện Công ty Hải Phát cũng đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường và ra nghị quyết bác bỏ nghị quyết của các lãnh đạo tiền nhiệm tổng công ty. Những “lùm xùm” này đều liên quan đến dự án khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).

Được biết, tháng 4-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký hợp đồng 3 bên giao Tổng Công ty XDCTGT 5  làm chủ đầu tư Dự án đường trục phía Nam và được hoàn vốn bằng các dự án đô thị trên địa bàn. Đơn vị thực hiện dự án là Cienco 5 Land - công ty thành viên của Tổng Công ty XDCTGT 5. Lúc này, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty XDCTGT 5 nắm giữ 2.450.000 cổ phần (mỗi cổ phần 10.000đ), tương ứng 49%.

Năm 2009, Cienco 5 Land quyết định tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 100 tỷ. Do khó khăn về tài chính, HĐQT Tổng Công ty XDCTGT 5 đã có Nghị quyết số 1004/NQ –HĐQT ngày 9-9-2009. Theo đó, tổng công ty không đầu tư tăng vốn lần này vào Cienco 5 Land, đồng thời bán bớt 1.950.000 cổ phần. Sau giao dịch, Tổng Công ty XDCTGT 5 còn nắm giữ 500.000 cổ phần tại Cienco 5 Land, chiếm 5% vốn điều lệ. Đồng thời, tổng công ty cũng giao cho người đại diện phần vốn của mình tại Cienco 5 Land bán quyền mua 2.450.000 cổ phần phát hành thêm với giá tối thiểu là 1.000 đồng/quyền mua 1 CP.

Theo khoản 3, Điều 20 - Điều lệ Tổng Công ty XDCTGT 5 (được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5-1-2009), HĐQT tổng công ty được quyết định hoặc phân cấp cho tổng giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua bán cổ phần, tài sản có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính công bố tại quý gần nhất của tổng công ty.

Theo báo cáo tài chính, tổng giá trị tài sản của Tổng Công ty XDCTGT 5 năm 2009 là trên 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc chuyển nhượng 1.950.000 cổ phần tại Cienco 5 Land (xấp xỉ 20 tỷ đồng) thuộc thẩm quyền của HĐQT tổng công ty.

Năm 2010, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 200 tỷ. HĐQT Tổng Công ty XDCTGT 5 có Nghị quyết số: 827/NQ – HĐQT ngày 17-8-2010 thống nhất mua thêm 500.000 cổ phần để tăng vốn góp từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, giữ nguyên tỷ lệ vốn góp tại Cienco 5 Land là 5% vốn điều lệ.

Để tăng cường việc thực hiện trách nhiệm nhà đầu tư của tổng công ty đối với Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, năm 2013, Hội đồng thành viên Tổng Công ty XDCTGT 5 đã tổ chức họp để thống nhất và trình Bộ GTVT cho phép tổng công ty được tăng vốn đầu tư để nắm giữ 36% vốn điều lệ của Cienco 5 Land.

Tuy nhiên, lúc này thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng tụt dốc, đóng băng, Chính phủ có chỉ đạo các đơn vị kinh tế Nhà nước cắt giảm đầu tư ngoài ngành, vì vậy ngày 19-9-2013, Bộ GTVT đã có văn bản không đồng ý đề nghị trên và yêu cầu Tổng Công ty XDCTGT 5 tập trung chỉ đạo, thực hiện các bước cổ phần hóa công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Vì vậy, tổng công ty không mua thêm cổ phần và vẫn giữ nguyên tỷ lệ vốn góp tại Cienco 5 Land là 5%.

Năm 2014, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 400 tỷ đồng. HĐQT Tổng Công ty XDCTGT 5 có Nghị quyết số 524/NQ –HĐQT ngày 20-8-2014, thống nhất chủ trương mua thêm 1.000.000 cổ phần tăng vốn góp từ 10.305 tỷ lên 20.305 tỷ đồng, giữ tỷ lệ vốn góp là 5% vốn điều lệ cho đến thời điểm hiện nay.

Từ những cơ sở này, ông Hà Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty XDCTGT 5 khẳng định việc giảm phần vốn tại Cienco 5 Land là đúng quy định và phản bác thông tin cho rằng việc này gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Hà Hùng cũng cung cấp Nghị quyết số 489/HĐQT ngày 7-5-2010 của HĐQT Tổng Công ty XDCTGT 5 và biên bản các cuộc họp trước đó về việc thống nhất chủ trương giao các dự án tại địa bàn Hà Tây – Hà Nội cho Cienco 5 Land thực hiện.

Đổi lại, Cienco 5 Land phải nộp về Tổng Công ty XDCTGT 5 mức khoán lợi nhuận 2% giá trị chi phí sử dụng đất phải nộp cho TP Hà Nội để thực hiện các dự án BT gồm dự án khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5, Thanh Hà B - Cienco 5 và Mỹ Hưng - Cienco 5. 

Cienco 5 Land đã nộp về Tổng Công ty XDCTGT 5 số tiền khoán lợi nhuận 137,73 tỷ đồng trước khi tổng công ty xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty mẹ (30-6-2013) đúng như cam kết. Theo Nghị quyết này, khi Cienco 5 Land đã hoàn thành thành nghĩa vụ tài chính thì Tổng Công ty XDCTGT 5 phải thực hiện thủ tục xin chuyển giao chủ đầu tư dự án cho Cienco 5 Land.

“Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Cienco 5 đã được phê duyệt tại thời điểm 30-6-2013 thì vốn Nhà nước tại Cienco 5 là 438 tỷ đồng, tăng 8,67 lần so với năm 2007. Đó là chưa bao gồm khoản thặng dư vốn 101 tỷ đồng từ việc thoái vốn Nhà nước ngày 31-12-2015. Sự tăng trưởng vốn Nhà nước như đã nêu trên, ngoài việc tích luỹ lợi nhuận từ SXKD tại công ty mẹ, còn có nguồn thu từ việc giao khoán lợi nhuận cho Cienco 5 Land thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây với số tiền hơn 137 tỷ đồng. Kết quả này cũng đã được kiểm toán Nhà nước kiểm tra ghi nhận qua các lần kiểm toán. Còn việc các cổ đông ngoài Nhà nước bán cổ phần tại Cienco 5 Land cho Tập đoàn Mường Thanh là quyền hợp pháp của họ. Vì vậy, thông tin về việc mất vốn Nhà nước tại Tổng Công ty XDCTGT 5 là hoàn toàn không có cơ sở”- ông Hùng khẳng định.

Theo các cổ đông khác tại Cienco 5 Land, họ đã bỏ ra gần 400 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Thanh Hà - Cienco 5, thậm chí phải dùng cả tài sản cá nhân để thế chấp, vay vốn để đền bù giải toả, triển khai dự án. Nhiều năm qua, dự án bị đình trệ do ảnh hưởng của thị trường bất động sản, vốn đầu tư bị chôn vào dự án, có lúc tưởng chừng doanh nghiệp không vượt qua được.

Với tiềm lực tài chính, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh đã mua lại cổ phần của các cổ đông (ngoài cổ đông Nhà nước) tại Cienco 5 Land và kế thừa các quyền lợi, nghĩa vụ của Cienco 5 Land, bao gồm phải thanh toán các khoản vay ngân hàng, trái phiếu, đồng thời phải tiếp tục đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thành dự án và còn rất lâu mới có thể thu được lợi nhuận.

Trong khi đó, với việc uỷ quyền thực hiện dự án, Tổng Công ty XDCTGT 5 lãi ròng 137,73 tỷ đồng, gấp gần 6 lần số vốn đăng ký góp ban đầu vào Cienco 5 Land. “Như vậy, Tổng Công ty XDCTGT 5 không hề mất vốn khi đầu tư vào Cienco 5 Land mà ngược lại còn thu lợi lớn”- một lãnh đạo tiền nhiệm của tổng công ty nhìn nhận.

“Trong khoản tiền khoán lợi nhuận 137,73 tỷ đồng mà Cienco 5 Land đã chuyển cho Tổng Công ty XDCTGT 5, có hơn 40 tỷ đồng là khoản khoán lợi nhuận 2% của dự án Mỹ Hưng - Cienco 5. Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã thu hồi dự án này nhưng Tổng Công ty XDCTGT 5 vẫn không hoàn trả cho Cienco 5 Land. Về khoản tiền này, bên thiệt hại là Cienco 5 Land” - một cổ đông trước đây của Cienco 5 Land chia sẻ.

Ngoài các vấn đề trên, được biết các đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty XDCTGT 5 đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ của người đại diện do pháp luật quy định liên quan đến việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu một số thành viên của Công ty Hải Phát vào HĐQT, bổ nhiệm phó tổng giám đốc, sửa đổi điều lệ tổng công ty… trái quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước tại tổng công ty.

Tất cả những vấn đề này cũng như thông tin lo ngại mất vốn tại Tổng Công ty XDCTGT 5 đang được Bộ GTVT làm rõ. Báo CAND sẽ trở lại những vấn đề này trong các số báo tới.

Mạnh Đức
.
.
.