Không để dịch tiếp tục lây lan trong các khu công nghiệp
- Nâng mức phòng ngừa, ngăn chặn dịch lây lan vào khu công nghiệp
- Bài học dập dịch COVID-19 từ các khu công nghiệp ở Đà Nẵng
Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, với 400.000 công nhân, trong đó có 200.000 người đến từ 63 tỉnh, thành phố, KCN, nhiều hơn Bắc Giang.
Ngày 2/6 tới đây, tỉnh cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện tiêu chí an toàn hoạt động trở lại, ngăn chặn làm sao để COVID-19 không lây lan. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Bắc Ninh có nhiều ổ dịch không rõ đường lây truyền và khả năng xâm nhập từ cộng đồng vào KCN rất lớn và hiện hữu.
Công nhân làm việc trong môi trường kín, tập trung đông người, nếu có ca bệnh COVID-19 xâm nhập, rất dễ lây lan nhanh chóng. |
Nguy cơ bùng dịch rất cao
Trước khi có làn sóng dịch COVID-19, số doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN là của Bắc Ninh 1.120 nhà máy. Tuy nhiên, từ khi có dịch đến nay, số doanh nghiệp phải dừng sản xuất là hơn 400 với khoảng 65.000 lao động buộc phải nghỉ làm.
Để giúp tỉnh sớm có giải pháp phòng, chống dịch có hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh.
Ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, địa phương là trung tâm công nghiệp của các tỉnh phía Bắc về sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực điện tử viễn thông. Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN của Bắc Ninh có kết nối chặt chẽ trong chuỗi sản xuất với các tỉnh lân cận. Ca COVID-19 được ghi nhận đầu tiên trong KCN của Bắc Ninh được xác định tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Health tại KCN Thuận Thành 2 vào ngày 9/5. Tính đến nay, trong đợt dịch COVID-19 lần này, đã ghi nhận 106 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 33 doanh nghiệp trong 7/10 KCN của tỉnh.
Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN của tỉnh Bắc Ninh đã thành lập được 7.615 tổ COVID-19 an toàn cộng đồng với 30.115 thành viên. Lãnh đạo tỉnh đã giao Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN, tổ chức cho người lao động ở tạm trong doanh nghiệp để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây dịch, nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện PCCC, ANTT, điện nước, chiếu sáng, thông gió, vệ sinh, ATTP...
Các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50 % số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy; đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm tối đa số lượng công nhân đi làm.
Trong thời gian từ nay đến ngày 2/6, khi Bắc Ninh cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tiêu chí an toàn trở lại sản xuất, Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng dự thảo theo kế hoạch “Quy chế phối hợp tạm thời quản lý người lao động và người nước ngoài ở tạm trong các doanh nghiệp/nhà máy vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh”.
Xây dựng phương án có 5.000 ca mắc để chủ động ứng phó
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, về tình hình dịch tại Bắc Ninh tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh vào chiều tối ngày 29/5, ông bày tỏ lo lắng, nhiều ổ dịch tại Bắc Ninh không rõ đường lây truyền và khả năng xâm nhập từ cộng đồng vào KCN rất lớn. Với những biện pháp đã và đang triển khai trong chống dịch của Bắc Ninh mặc dù tạm yên tâm, nhưng tỉnh vẫn phải quyết liệt hơn, vì số KCN của Bắc Ninh cũng như công nhân nhiều hơn Bắc Giang.
Hiện nay các đơn vị sản xuất test nhanh đang nỗ lực nâng cao năng lực, hiện đạt khoảng 150.000 test/ngày, trong khi nhu cầu thì nhiều. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh về Việt Nam. Bộ Y tế đã công khai giá các mặt hàng chống dịch nên tỉnh Bắc Ninh cần tham khảo để thực hiện mua sắm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh cần quyết định vấn đề liên quan đến mua sắm test nhanh mới thực hiện ngay được. Nếu đấu thầu thì sẽ khó khăn và lâu. Bộ Y tế sẽ cấp thêm cho địa phương nhưng cũng khó đáp ứng đủ vì nhiều địa phương có nhu cầu.
Qua kiểm tra một số nhà máy trong các KCN, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp tự lấy mẫu. Bộ Y tế đã có video hướng dẫn nên chỉ cần làm 1-2 lần là thực hiện tốt. Tỉnh Bắc Ninh cần kết hợp vừa xét nghiệm test kháng nguyên nhanh, vừa xét nghiệm gộp mẫu mới làm nhanh được.
Bộ Y tế đã tiếp tục giao các bệnh viện trung ương đảm bảo tối đa nhân sự hồi sức tích cực (ICU) cho Bắc Ninh. Tỉnh cũng cần xây dựng phương án có 5.000 ca mắc để chủ động ứng phó. Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vaccine thì Bộ Y tế ủng hộ. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, ngoài 150.000 liều vaccine đã cấp cho tỉnh, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa.
Bộ Y tế đã giao 2 đồng chí Thứ trưởng là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang trong vòng 7 ngày phải tiêm xong 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 tại mỗi tỉnh. Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương.
Ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, để thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân các KCN, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Bắc Ninh sớm lập danh sách và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ nguồn lực để thực hiện đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Y tế. Bộ Y tế trên tinh thần hỗ trợ Bắc Ninh sớm hoàn thành tiêm hết số vaccine đã được cấp xong trước ngày 10/6 cho các trường hợp đã lựa chọn.