Bài học dập dịch COVID-19 từ các khu công nghiệp ở Đà Nẵng

Thứ Tư, 26/05/2021, 09:28
Đã 5 ngày liên tiếp, TP Đà Nẵng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng; chỉ ghi nhận từ 1-2 ca mắc mới mỗi ngày đều là trường hợp F1 đã được cách ly tập trung, đến lần xét nghiệm thứ 3 mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.


Và, kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên của chùm ca bệnh hơn 34 bệnh nhân (BN) nhiễm COVID-19 đều là công nhân tại khu công nghiệp (KCN) An Đồn vào ngày 11-5, từ đó đến nay, với 65.444 lao động đang làm việc trong hàng trăm nhà máy xí nghiệp, thuộc 6 KCN và 1 khu công nghệ cao ở TP Đà Nẵng, song không phát sinh thêm bất cứ chùm ca bệnh nào, mà chỉ rải rác một số rất ít trường hợp nhiễm COVID-19 là F1 đều đã được lực lượng phòng chống dịch phát hiện, truy vết và cách ly từ trước…

Đó chính là một thành công rất lớn, đáng ghi nhận từ phía Ban Chỉ đạo phòng chống dịch (PCD) COVID-19, ngành Y tế và của toàn hệ thống chính trị của TP Đà Nẵng.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại các KCN ở Đà Nẵng.

Theo ghi nhận, đợt dịch COVID-19 giữa năm 2020 cũng như lần này, khi đứng trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã xác định áp dụng xét nghiệm gộp để đẩy nhanh việc truy vết vừa ít tốn kém vật tư thiết bị, chi phí giảm xuống 20 lần so với thông thường.

Với cách làm quyết liệt, TP Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh và có thể được nhìn thấy bằng những kết quả rất cụ thể. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD COVID-19TP, khẳng định rằng, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm thực tiễn qua 2 lần thành công dập dịch COVID-19.

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân TP, cùng “chiến thuật” xét nghiệm gộp của ngành Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) đã xem là một giải pháp hữu hiệu để nhân rộng, nâng cao năng lực xét nghiệm, giúp khoanh vùng, truy vết nhanh trong bối cảnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19 của Đà Nẵng cho thấy, những biện pháp, bước đi, cách thức điều hành chống dịch của TP là đúng hướng, kịp thời, hiệu quả. 

Nói về công tác PCD COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, ngoài  2 “điểm nóng” là vũ trường Phương Đông và Thẩm mỹ viện Amida, thì tâm đỉnh dịch của Đà Nẵng còn được xác lập từ ngày 11/5 khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong chùm ca lây nhiễm COVID-19 tại Công ty Trường Minh ở KCN An Đồn (quận Sơn Trà) cũng đã nhanh chóng được kiểm soát.

Xác định KCN là một nơi hết sức trọng yếu, ngay lập tức cả hệ thống chính trị của TP, lực lượng Y tế, Công an tuyến đầu đã khẩn cấp vào cuộc. Đầu tiên là truy vết, xét nghiệm cho 128 nhân viên, người lao động của Công ty Trường Minh, cho kết quả 33 người dương tính ngay trong ngày. Tiếp đến, tổ chức phong tỏa tạm thời KCN và 4 cụm dân cư xung quanh; lập 34 chốt chặn, kiểm soát Y tế, dịch bệnh tại các khu dân cư liên quan đến các ca dương tính; thiết lập thêm 1 khu cách ly tập trung F1 tại quận Sơn Trà với 155 giường để kịp thời đáp ứng tập trung F1.

Trắng đêm 11 và ngày 12/5, chỉ chưa đầy 24h, đã thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho 660 mẫu tại 4 cụm dân cư xung quanh KCN, lấy mẫu và xét nghiệm cho gần 4.500 trường hợp liên quan tại 34 chốt kiểm soát tại khu dân cư liên quan, tiến hành lấy mẫu cho toàn bộ hơn 8.000 công nhân, người lao động làm việc tại KCN.

Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 TP Đà Nẵng nhận định, kiểm soát được bệnh tật nhưng không thể chủ quan, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các KCN của một số tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Bắc Giang. Do đó, trong các ngày 24 đến 26/5, ngành Y tế Đà Nẵng đã phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR theo phương pháp gộp (10 người/mẫu gộp) cho gần 20.000 lao động làm việc tại các KCN Hoà Cầm, Hòa Khánh.

Những người đến lấy mẫu được lực lượng chức năng bố trí giãn cách, khử khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt... bảo đảm an toàn PCD. Việc triển khai kế hoạch này nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19, đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng để nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát kịp thời.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Đà Nẵng có 6 KCN và 1 Khu Công nghệ cao, với tổng số lao động đang làm việc là 65.444 người. Từ ngày 12 đến 17-5, toàn bộ người lao động làm việc tại KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 52.322 người lao động đang làm việc tại Khu Công nghệ cao và 4 KCN còn lại. Hiện tại đã có 153 doanh nghiệp trong KCN nộp báo cáo cam kết thực hiện các biện pháp PCD và 14.405 công nhân tại đây đã được xét nghiệm COVID-19. Qua vận động, có 33 doanh nghiệp đồng ý chi trả chi phí xét nghiệm cho công nhân của mình; một số đề nghị xét nghiệm theo xác suất 50% -70% số công nhân; 33 doanh nghiệp đề nghị TP hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định rõ, việc tổ chức xét nghiệm cho công nhân chính là trách nhiệm của đơn vị mình và đây là yêu cầu cần thiết và cấp bách. TP có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách tạm ứng trước kinh phí và sau đó doanh nghiệp phải chi trả phí xét nghiệm.

Để bảo đảm công bằng, thể hiện chính sách khuyến khích xét nghiệm, TP thống nhất hỗ trợ theo mức bình quân cho các mẫu xét nghiệm của doanh nghiệp; cả những doanh nghiệp đã đăng ký và sẵn sàng chi trả 100% phí xét nghiệm cũng được hỗ trợ kinh phí xét nghiệm.

Hoài Thu
.
.
.