Hiệp định CPTPP - cơ hội lớn nếu doanh nghiệp biết tận dụng

Thứ Tư, 14/11/2018, 07:46
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12 tới. Đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa hiểu nội dung cụ thể trong Hiệp định CPTPP nên vẫn chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng, để có sự chuẩn bị nhằm tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại.


Ông Nguyễn Khắc Thanh, chủ DN xuất khẩu sản phẩm túi xách (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay 70% sản phẩm của DN xuất khẩu sang Mỹ, 30% còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác, nhưng không có thị trường nào trong những nước thành viên của Hiệp định CPTPP.

Theo lý giải của ông Thanh: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang căng thẳng, Mỹ đánh thuế lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc, nên nhiều ngành hàng của Việt Nam có cơ hội thế chỗ của Trung Quốc tại Mỹ. Vì vậy, lợi thế của chúng tôi là đã am hiểu thị trường Mỹ, đã có sẵn khách hàng, nên chúng tôi sẽ tập trung khai thác thị trường này”.

Với kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ mỗi năm khoảng 20 triệu USD, ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty Mifaco cho biết, DN xuất khẩu 100%, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 90%. Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ có nhiều thuận lợi cho DN. “Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu các thị trường trong CPTPP, nếu thấy phù hợp thì chúng tôi cũng có thể tham gia”, ông Hiệp thông tin.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, chủ DN may mặc quận Tân Bình cho biết: “Hiện nay DN sản xuất, cung ứng 100% thị trường trong nước. Hiệp định CPTPP có ưu đãi lớn về thuế cho DN xuất khẩu ngành may mặc, nhiều nhất là Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, nên DN muốn tìm hiểu thị trường Canada. Nhưng cái khó của DN là không biết tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu từ đâu”.

Chăn nuôi là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất khi CPTPP có hiệu lực.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, không riêng Hiệp định CPTPP mà các từ ngữ, điều khoản trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) rất hàn lâm so với DN. Do vậy, các DN cần các cơ quan quản lý hỗ trợ thông tin với từng ngành hàng riêng biệt.

“Tại các diễn đàn DN, tôi thường nghe nhiều DN đặt câu hỏi là tại sao Việt Nam ký nhiều FTA đến thế? Một số câu hỏi còn khá gay gắt như Chính phủ ký nhiều FTA nhưng DN thấy không có lợi gì cả, DN chỉ thấy cạnh tranh, chỉ thấy các biện pháp chống bán phá giá...”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thành viên đoàn đàm phán Chính phủ cho biết tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế với chủ đề "Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Giải thích lý do tại sao Việt Nam phải ký nhiều FTA và các FTA mang lại triển vọng gì? ông Khanh cho rằng, thuận lợi đầu tiên là mở rộng thị trường, cắt giảm thuế quan. Cụ thể, Hiệp định ASEAN ta cắt giảm đến 98% dòng thuế. Hai Hiệp định thế hệ mới là Hiệp định CPTPP có gần 100% dòng thuế cắt giảm về 0%, và Hiệp định Thương mại tự do VN-EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực năm 2020, ta cắt giảm 99% dòng thuế.

Với Hiệp định CPTPP, một số mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về thuế rất lớn. Cụ thể, mặt hàng dệt may khi xuất sang Canada, sẽ xóa bỏ thuế 100% vào năm thứ 4, trong đó có 42,9% xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu sang Nhật Bản 99% thuế xóa bỏ ngay. Xuất khẩu sang Mexico, xóa bỏ thuế theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16; Đối với mặt hàng giày dép, xuất khẩu sang Canada xóa bỏ thuế ngay 67%, 12% xóa bỏ vào năm thứ 7, còn lại cắt giảm vào năm thứ 12. Xuất khẩu sang Nhật Bản 80% thuế xóa bỏ vào năm thứ 10. Xuất khẩu sang Mexico xóa bỏ thuế theo lộ trình và thuế về 0% vào năm thứ 13; Các mặt hàng chè, cà phê, thủy sản, xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản, phần lớn thuế được xóa bỏ ngay.

Tuy nhiên, với thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản, những mặt hàng chưa cam kết trong Hiệp định song phương cũng được cắt giảm. Lưu ý là với Nhật, Việt Nam có Hiệp định song phương, nhưng với Hiệp định CPTPP thì Nhật Bản đồng ý dành mức độ mở cửa thị trường tốt hơn cả Hiệp định song phương mà ta đã có với Nhật.

Đó cũng là giá trị gia tăng của chúng ta do CPTPP mang lại. Ngoài ra, nhờ sức ép trong cam kết FTA mà Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà cho DN; FTA cũng giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Điển hình, với Hiệp định CPTPP và sắp tới là EVFTA, đây là lần đầu tiên chúng ta đồng ý mở cửa mua sắm Chính phủ.

Ngoài DN Việt Nam, cho phép DN nước ngoài cũng được quyền tham gia đấu thầu các dự án Chính phủ (trước đây là chỉ định thầu). Việc đấu thầu công khai, minh bạch, dẫn đến cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn. Đặc biệt, FTA giúp DN đảm bảo bình đẳng tiếp cận nguồn lực.

Như trong Hiệp định CPTPP, yêu cầu đảm bảo sự công bằng, tạo sân chơi bình đẳng giữa DN nhà nước và DN tư nhân. Chính nhờ sự bình đẳng này mà DN tư nhân được quyền tiếp cận được các nguồn lực mà trước đây DN nhà nước đang nắm giữ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì DN cũng gặp không ít thách thức từ các FTA. “Với CPTPP, tôi nghĩ DN đừng nhìn nó ở góc độ là một Hiệp định, mà hãy nhìn đó là một cơ hội cực lớn. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã có bước đột phá về tư duy làm luật và thực thi luật. Trước năm 2007, chính sách ban hành là dân thực thi, nhưng sau 2007, trước khi ban hành văn bản pháp luật nào thì phải lấy ý kiến của những người bị ảnh hưởng tới chính sách đó.

Ta thấy, năm 2007 đã thay đổi tư duy đáng kể của những người làm luật và thực thi luật, nhưng với CPTPP thì tôi nghĩ nó còn nâng tầm lên rất nhiều”, ông Khanh nêu quan điểm. Vậy thì nhà đầu tư có quyền kiện cơ quan đã từ chối giấy phép ra cơ quan trọng tài. Chi phí cho vụ kiện rất lớn, chỉ tính riêng phí thuê luật sư nhưng chưa biết vụ việc đúng hay sai, là đã tốn hàng chục triệu USD rồi.

Cho nên, nếu không chú ý thực thi cam kết thì Chính phủ hoàn toàn có khả năng bị những vụ kiện như thế. Vì vậy, sức ép rất lớn đối với cơ quan Chính phủ phải thay đổi tư duy, làm chuẩn hơn, minh bạch hơn. Như vậy, yêu cầu đặt ra là DN cũng buộc phải thay đổi tư duy, không thể dựa vào làm ăn kiểu quan hệ hoặc theo kiểu chỉ biết một mình mình nữa”. “Các FTA đã mang tới cơ hội, nhưng có tận dụng được hay không là từ chính DN...”,  ông Khanh nói.

Thúy Hà
.
.
.