Hành trình chông gai của Vinamilk theo lời kể của bà Mai Kiều Liên

Thứ Tư, 09/12/2015, 19:16
Con đường đi đến vinh quang của Vinamilk gắn liền với tên tuổi của bà Mai Kiều Liên, người được coi là "nữ tướng", "1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á". Mới đây, trong bài tham luận trình bày tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ 9, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk đã thuật lại con đường nhọc nhằn để đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.


Bà Mai Kiều Liên công tác tại Vinamilk từ năm 1976 đến nay. Bà tốt nghiệp kĩ sư công nghệ chế biến ở Nga. Tháng 12/1992, bà được đề bạt làm Tổng giám đốc Vinamilk. Ngày 14-11-2003, bà được bầu vào HĐQT, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngày 25-7-2015, bà chính thức rời ghế Chủ tịch, giữ chức danh Tổng giám đốc Vinamilk. Gần 40 năm gắn bó, bà đã chứng kiến bao thăng trầm, từ những ngày đầu đối mặt với thiếu thốn về máy móc, nhân lực, tài chính cho đến khi trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam. Đằng sau thành công ngày hôm nay, ít ai biết, con đường đến với vinh quang của Vinamilk lại là hành trình thật lắm gian nan.

Nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk sử dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới.

Năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột trẻ em và nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, Vinamilk đã tiến hành phục hồi nhà máy sữa bột Dielac chỉ với số kinh phí 200.000 USD, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2,4 triệu USD. Đây là nhà máy do Tập đoàn  Netstlé (Thụy Sỹ) để lại trước ngày giải phóng, không hoạt động được do chủ nhà máy đã mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ khi rút chạy về nước. Việc phục hồi thành công nhà máy sữa bột Dielac trở thành bước ngoặt của Vinamilk về mặt khoa học kỹ thuật. Hiện nay, nhà máy Dielac là một trong 2 nhà máy chủ lực sản xuất mặt hàng sữa bột phục vụ xuất khẩu.

Vào những năm 1990, vấn đề khó khăn nhất đối với công ty là nguyên liệu sản xuất. "Ngành sữa chưa chủ động được 100% nguồn nguyên liệu, bị phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu của nước ngoài. Làm sao để có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ, tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm? Băn khoăn đó đã khiến Vinamilk khởi xướng phong trào chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. Thế là cuộc "cách mạng trắng" ra đời" - bà Mai Kiều Liên kể lại.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk vinh dự được nhận giải thưởng Nikkei Asia.

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc vào Nam, trong 5 năm (2011-2015), Vinamilk đã nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015), cho sản lượng sữa 200 triệu lit/năm. Điều này giúp Vinamilk chủ động được 30% nguồn nguyên liệu cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng. Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá. Nếu không có tiền, Vinamilk đứng ra bảo lãnh cho vay vốn.

Vinamilk hiện có 9 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Ngoài ra trang trại bò sữa Nghệ An cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là trang trại xuất sắc nhất năm 2014. Trong năm 2015, Vinamilk sẽ đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa (2), Tây Ninh. Ngoài ra, Vinamilk còn liên kết với hơn 7.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con trên cả nước, thu mua sản lượng bình quân khoảng 500 tấn sữa/ngày, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân.

Sản phẩm của Vinamilk được khách hàng ưa chuộng.

Cuộc "cách mạng trắng" đã đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, Vinamilk chiếm khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc…với hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp, gồm hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty và 650 siêu thị trên toàn quốc. Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc... Vinamilk đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ,…

Vinamilk cũng trở thành doanh nghiệp cổ phần hóa thành công nhất Việt Nam. Kể từ sau khi cổ phần hóa, Vinamilk luôn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Doanh số trung bình tăng 20%, lợi nhuận tăng 15%, nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3000 tỉ/năm. Vinamilk cũng là công ty sữa duy nhất trong ngành sữa lọt Top 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á, theo công bố của Tạp chí Nikkei Asian Review. Với giá trị ước tính 6,6 tỉ USD, Vinamilk trở thành công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất tại Việt Nam.

Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.

Khánh Vy
.
.
.