Gian nan xử lý tài sản bảo đảm: Ai bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng?

Thứ Ba, 13/12/2016, 09:03
Hành trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) được xem là nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ, nhưng cũng là nút thắt “rối rắm” nhất, buộc chân các TCTD. Trong khi đó, lợi dụng cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, một số con nợ đã gây áp lực, dựng màn kịch trở thành “nạn nhân” của ngân hàng để cản trở quá trình thu hồi TSBĐ. Vậy, giải pháp nào để gỡ nút thắt này, khơi thông nền kinh tế?


Khi đối tác biến thành đối đầu

Khi ngân hàng và các tổ chức, cá nhân có quan hệ tín dụng, họ là những đối tác tin cậy và “ưu ái” theo kiểu hai bên cùng có lợi: cả hai bên đều cần nhau cho việc kinh doanh, phát triển của mình. Tuy nhiên, khi đã phải mang TSBĐ ra để giải quyết, là lúc hai bên đã rơi vào thế “cực chẳng đã”, “cơm không lành, canh không ngọt”, mối quan hệ chuyển từ đối tác sang đối đầu: nhà băng xót tiền, con nợ xót của. Tùy mức độ của từng vụ việc, việc đối đầu đó sẽ phản ánh sự căng thẳng trong quá trình xử lý.

Các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi xảy ra tranh chấp với khách hàng. Ảnh: Minh họa CTV.

Đại diện Ngân hàng VPBank đã chỉ ra những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ khá đa dạng. Cụ thể từ việc áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, một số cơ quan công chứng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản… cho rằng: bên bảo đảm không được ủy quyền cho ngân hàng thực hiện việc bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm vì theo Bộ luật Dân sự 2005, chủ thể được nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân.

Hay như công tác tổ chức thu giữ TSBĐ của các TCTD hầu như không tự thực hiện được, bởi có xung đột pháp luật do quyền thu giữ này chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó lại vướng phải nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật, Nghị định khác…

Vướng mắc thứ hai, khi TCTD nộp đơn khởi kiện, mặc dù trong đơn khởi kiện đã ghi rõ tên, địa chỉ của bị đơn, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng nhiều Tòa án yêu cầu phải cung cấp xác nhận của chính quyền địa phương về địa chỉ của tất cả những đối tượng này. Tuy nhiên, phường/xã không đồng ý xác nhận về nơi cư trú và tình trạng cư trú của khách hàng theo đề nghị của TCTD mà yêu cầu cần phải có văn bản của Tòa án hoặc chính cán bộ Tòa án đến làm việc và đề nghị.

Thậm chí một số Tòa án yêu cầu TCTD phải xác minh được khách hàng vay không có khả năng trả nợ thì mới thụ lý đơn khởi kiện bên bảo lãnh/bên bảo đảm. Đấy là chưa kể đến giai đoạn thi hành án, theo quy định tại Luật thi hành án dân sự, số tiền thu được từ việc bán TSBĐ sẽ phải được ưu tiên thu án phí, lệ phí Toà án trước khi chuyển cho TCTD làm cho số tiền thu nợ của TCTD bị giảm đi, không thu hồi đủ.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian cưỡng chế thi hành án diễn ra rất phổ biến. Các vướng mắc nêu trên dẫn đến hậu quả TCTD không thể thu hồi đủ nợ, thời gian thu hồi nợ kéo dài, tạo tâm lý chây ỳ của các con nợ, gây mất lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật.

Có những bản án có hiệu lực từ cách đây 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong, chưa thu hồi được nợ. Có những tài sản đã bán đấu giá thành công từ vài năm trước nhưng đến nay cũng chưa thể sang được tên cho người trúng giá...

Ông Thiệu Ánh Dương, Tổng Giám đốc AMC Ngân hàng Techcombank cho biết có nhiều vụ án, Techcombank đã theo kiện từ những năm 2012, 2013, 2014, qua hết các phiên sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí đã có Quyết định giám đốc thẩm… nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa kết thúc. Tại Techcombank tồn tại không ít các khoản nợ đã có bản án có hiệu lực thi hành từ những năm 2012, 2013, 2014 nhưng đến thời điểm này việc thi hành án vẫn chưa thực hiện xong và nợ vẫn chưa được thu hồi.

Đại diện Techcombank cho rằng việc TCTD thu giữ, xử lý TSBĐ là theo quy định pháp luật nhằm xử lý nợ xấu, cũng là góp phần duy trì, phát triển một nền kinh tế tài chính lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo quyền xử lý TSBĐ của TCTD với tư cách là bên nhận thế chấp tài sản, với nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia quyết liệt hơn, sự hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan hữu quan, đồng thời phải có hành lang pháp lý phù hợp.

Ngoài ra, Techcombank kiến nghị NHNN tiếp tục hỗ trợ, phối hợp các cơ quan chức năng khác (Công an, Ủy ban, Tòa án, Thi hành án các cấp) để mở nhiều hội thảo chuyên đề xử lý nợ, theo đó mời các cơ quan ngôn luận tham gia đầy đủ để truyền thông, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân về hoạt động xử lý nợ.

Xử lý TSBĐ chậm, kéo trì xử lý nợ xấu

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, thu hồi nợ vay, khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. (Ảnh minh họa).

Kết quả, trong 4 năm qua, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; và năm 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng), trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý (chiếm 55,4%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Nguyên nhân việc xử lý TSBĐ thu hồi nợ chưa đạt như kỳ vọng là việc thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD còn gặp nhiểu khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, thực tiễn xử lý TSBĐ của hệ thống TCTD thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm, các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong khi đó, việc xử lý hiệu quả TSBĐ đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh”.

Cũng theo ông Kim Anh, ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp… xử lý TSBĐ để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có TSBĐ. Tuy nhiên, biện pháp xử lý TSBĐ (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13,91 nghìn tỷ đồng/493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường Tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18. Đồng thời, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành năm 2016 là 15.949 việc với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng.

Hà An
.
.
.