Đóng tàu cá cho ngư dân bằng thép Trung Quốc: DN sai phải chịu trách nhiệm
- Bàn giao 3 tàu vỏ thép trị giá 60 tỷ cho ngư dân Quảng Trị
- Trao tàu vỏ thép cho ngư dân
- Thép Trung Quốc “lấn át” thép nội địa
Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với chủ trương “giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi, bám biển” đã tạo cú hích cho hàng trăm ngư dân được vay vốn, đóng tàu vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ.
Sở NN&PTNT Bình Định kiểm tra tàu nào cũng có hiện tượng hỏng hóc, han gỉ. Ảnh: Hoàng Trọng. |
Tuy nhiên, một số công ty được tham gia đóng tàu vỏ thép cho ngư dân đã sử dụng vỏ tàu không đảm bảo chất lượng, khiến con tàu trị giá hàng tỷ đồng của ngư dân vừa vươn khơi đã hỏng hóc.
Mới đây nhất, hai cơ sở đóng tàu cá theo NĐ 67 bị ngư dân Bình Định khiếu nại là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (huyện Xuân Trường, Nam Định) và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Các chủ tàu phản ánh, hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng các công ty đóng tàu đã thay thế bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng; vỏ tàu mới sử dụng đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ lạnh…
Cụ thể, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đã nhận được đơn kiến nghị của 10 hộ ngư dân phản ánh về tình trạng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP bị hư hỏng chỉ sau gần 1 năm đưa vào khai thác.
Qua kiểm tra 5 tàu cá do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, thiết bị gỉ sét và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi cũng bị hư hỏng. Đại diện Sở NN&PTNT Bình Định khẳng định, một số lượng tôn (thép) đóng tàu không đúng theo hợp đồng, nhà máy đóng tàu đã thay thế chất liệu thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng tôn Trung Quốc MAC A đủ điều kiện đóng tàu và được cơ quan đăng kiểm cho phép, nhưng không thông qua ngư dân.
Sở NN&PTNT Bình Định cũng kiểm tra 12/20 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và kết quả tương tự. Thân, vỏ tàu bị gỉ sét, máy chính Mitsubishi đều gặp sự cố và hư hỏng, máy phát điện cũng hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh... Ngoài ra, quy định của Nghị định 67/NĐ-CP là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu.
Mặc dù vậy, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT tỉnh và các đơn vị đóng tàu thì các công ty đóng tàu đã đổ lỗi cho ngư dân không biết sử dụng và vỏ tàu cá han gỉ là do nước biển… quá mặn. Công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương cho rằng, dù thay thế bằng thép Trung Quốc nhưng chất lượng tương đương Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, NĐ 67 chủ trương hiện đại hóa đội tàu cá, giúp ngư dân vừa tăng hoạt động kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền trên biển. Vì thế, không thể để một số trục trặc làm ảnh hưởng đến ý nghĩa rất lớn của Nghị định này.
“Ngư dân không thể hiểu hết về chất lượng thép, chỉ doanh nghiệp mới biết thép mua từ đâu, chất lượng thế nào. Tàu mới đi vào đánh bắt một thời gian ngắn đã gỉ sét, máy trục trặc… rõ ràng chất lượng con tàu không đảm bảo cho quá trình khai thác, và trách nhiệm đó là do cơ sở đóng tàu. Doanh nghiệp đóng tàu phải có trách nhiệm cùng ngư dân khắc phục, giải quyết”, ông Thắng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, báo cáo từ các địa phương cho thấy, thực hiện NĐ 67 đóng 2.284 tàu tàu vỏ thép và các loại. Hiện gần 900 tàu đã ký hợp hợp đồng tín dụng, có khoảng 630 tàu đi vào hoạt động. Chính phủ đang giao Bộ NN&PTNT tham mưu, trình chính sách mới thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung NĐ 67, trên cơ sở đánh giá hơn 2 năm thực hiện nghị định này.
Sau sự việc phản ánh của ngư dân, Tổng cục Thuỷ sản đã cử đoàn công tác vào làm việc với các chủ tàu, địa phương để nắm rõ tình hình và hướng dẫn xử lý. Vụ việc xảy ra liên quan đến năng lực giám sát của chủ tàu với quá trình đóng tàu vỏ sắt. Đây là hợp đồng dân sự, nên nếu ngư dân không có điều kiện, khả năng, có thể thuê tư vấn giám sát.
Ông Trung cũng khẳng định: “Việc hợp đồng ký là dùng thép Nhật/Hàn Quốc, nhưng doanh nghiệp đóng tàu lại dùng thép Trung Quốc. Đã có thoả thuận giữa ngư dân và doanh nghiệp đóng tàu, ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm”.
Trước sự việc trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, “Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn”. Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định.