Doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội từ CPTPP

Thứ Năm, 28/03/2019, 10:13
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và có hiệu lực ngày 14-1-2019, nhiều người xem CPTPP là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa hiểu rõ nội dung Hiệp định để tận dụng những ưu đãi. 

Nắm được thực tế này, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “CPTPP, cơ hội từ một Hiệp định thế hệ mới – Chất lượng cao”. Hội thảo được tổ chức ngày 26-3 thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất....

Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: Tại sao từ trước giờ, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi về thuế, nhưng DN tận dụng những cơ hội từ các FTA còn rất thấp? 

Bà Trang cho rằng, nguyên nhân chủ quan, là do các DN thường chưa quan tâm nhiều về quy tắc xuất xứ trong khi đây là điều kiện tiên quyết để tận dụng cơ hội thuế quan của các FTA. Còn nguyên nhân khách quan, đó là thực tế, có nhiều sản phẩm của DN Việt Nam có sử dụng nguồn nguyên liệu từ những nước không nằm trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. 

Để khắc phục những vấn đề này, thì trước hết DN cần tìm hiểu những quy định về quy tắc xuất xứ cũng như cơ hội thuế quan đối với hàng hóa. Có thể là những loại hàng hóa Việt Nam có thế mạnh hoặc không có thế mạnh, nhưng với cơ hội thuế quan thì DN có thể thay đổi sản xuất và định hướng sản phẩm để tận dụng những cơ hội đó.

Theo đại diện của Trung tâm WTO và Hội nhập, Hiệp định CPTPP có những cơ hội và thách thức đối với DN. Cơ hội, đó là về thị trường, bao gồm có 3 thị trường mới (trong 11 nước CPTPP) là những thị trường mà chúng ta chưa từng có cam kết nào. Đồng thời đây cũng là cơ hội có các thị trường truyền thống mà chúng ta có FTA. 

Ví dụ như khi DN xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, DN có thể lựa chọn các ưu đãi nào mà DN thấy phù hợp. Đó là ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do Asean –Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do VN-Nhật Bản, hay CPTPP. 

Bên cạnh đó, việc giảm thuế quan của các DN nhập khẩu máy móc từ những thị trường mạnh về công nghệ với mức ưu đãi, hay cơ hội mở cửa thị trường dịch vụ để phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho DN giảm giá thành sản xuất tăng năng lực cạnh tranh; 

Ngoài ra, DN còn nhận được cơ hội từ kênh phân phối như thương mại điện tử, dịch vụ phân phối; Cơ hội đầu tư từ nước ngoài, đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; Cơ hội cải cách môi trường kinh doanh... 

Còn thách thức mà DN phải đối mặt, đó là DN trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong xuất khẩu về việc đáp ứng  quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi, vượt qua các hàng rào phi thuế, phải đáp ứng các tiêu chuẩn, thách thức về mặt thể chế...

Tuy nhiên “Nếu nhìn từ góc độ người nghiên cứu thì tôi không thấy thách thức đó là quá lớn. Thứ nhất là cơ cấu sản phẩm của chúng ta không cạnh tranh trực tiếp với các thị trường đặc biệt là các thị trường mới Canada, Mexico, Peru. Thứ 2: Phân khúc thị trường không giống nhau giữa sản phẩm của DN trong nước và DN nước ngoài. 

Ưu thế nữa là DN Việt  hiểu được thị hiếu người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, về vấn đề này có thể sẽ không còn đúng trong tương lai, khi mà các nhà kinh doanh nước ngoài họ dùng chính người Việt để hiểu người Việt, nên đây không phải là lợi thế lâu dài. 

Với những lý do như trên thì đối với chúng tôi, thách thức trong CPTPP thực chất là thách thức trong việc tận dụng cơ hội chứ không phải thách thức trong tồn tại”, bà Trang khẳng định.

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích lớn nhất mà CPTPP mang lại cho Việt Nam không chỉ là khía cạnh kinh tế mà còn là thúc đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế. 

“Với CPTPP, nếu chúng ta làm tốt sẽ là làn sóng cải cách mạnh thứ 2 về kinh tế thị trường của Việt Nam sau WTO. Vấn đề ở chỗ là ngay cả khi WTO, tức là sau hơn 10 năm thực hiện, chúng ta vẫn còn phải nuối tiếc, vẫn có nhiều vấn đề hàng ngày hàng giờ chúng ta còn vẫn đang phải đối mặt và đó là những câu hỏi đặt ra cho những lần cải cách thể chế tiếp theo cho CPTPP này. Hy vọng nếu ta rút được kinh nghiệm từ trong trong quá khứ thì chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội từ CPTPP trong tương lai”, bà Trang chia sẻ.

Thúy Hà
.
.
.