CPTPP mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 22/03/2019, 08:29
Ngày 21-3, tại Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phát triển thị trường các nhóm ngành hàng. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đại diện các doanh nghiệp.

CPTPP chính thức có hiệu lực từ 14-1 vừa qua, hứa hẹn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng. Ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi là chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, CPTPP mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao như Australia là hơn 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Canada cam kết cắt giảm thuế ngay đến 94,9% số dòng thuế, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều so với trong Hiệp định FTA song phương giữa hai nước…

CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi hiệp định, nhất là sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, trong đó có các đối tác FTA ngày càng gia tăng.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho rằng, ĐBSCL dù là vựa lúa gạo, trái cây, thuỷ sản của cả nước nhưng còn nhiều “điểm nghẽn”. Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành nhưng thu ngân sách chỉ bằng tỉnh Bình Dương (khoảng 50.000 tỷ đồng). Cơ sở hạ tầng trong vùng về đường bộ, đường thuỷ còn yếu kém. Nhà đầu tư nước ngoài rất ngán ngại khi đến đây tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đề nghị Chính phủ sớm đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ; nâng cấp các tuyến kết nối như quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp đang xuống cấp trầm trọng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đồng tình, vùng ĐBSCL cần đẩy nhanh hơn nữa đầu tư hạ tầng đường bộ và đường thủy. Nếu không cải thiện hạ tầng giao thông nói riêng, logistics nói chung thì vùng ĐBSCL khó có thể thu hút đầu tư được.

Như Anh
.
.
.