Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế số

Thứ Năm, 05/11/2020, 16:25
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”.

Diễn đàn thu hút gần 300 doanh nghiệp, đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội.

Diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn. 

Diễn đàn thu hút gần 300 doanh nghiệp, đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển rất nhanh, hiện chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Trong đó, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là hiện đang thiếu hụt số lượng lớn lao động có kỹ năng số. 

Tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng, các thương hiệu Việt Nam mới vừa trải qua giai đoạn chuyển đổi nên việc xây dựng đứng trước nhiều thách thức như: quy mô nhỏ bé, đơn lẻ, chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược trong kế hoạch phát triển dài hạn… Do vậy, kết nối cung – cầu của giữa nhà sản xuất và thương mại, người tiêu dùng còn hạn chế. 

Từ những khó khăn này, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, với tầm nhìn mới, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng chiến lược phát triển, nhất là chiến lược phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, đại dịch đã làm thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, để xây dựng chiến lược thị trường hiệu quả, các doanh nghiệp nên chú trọng vào các giải pháp, sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.