Công nghiệp điện tử Việt Nam: “Có tiếng mà không có miếng”

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:33
Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sức lan tỏa giữa doanh nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp (DN) trong nước còn rất yếu”.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 28-11, tại Hà Nội.

95% kim ngạch xuất khẩu điện tử Việt Nam là nhờ doanh nghiệp FDI

Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN, với hành chục tỷ USD/năm đã cho thấy sự đóng góp của ngành này ngày càng lớn vào nền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, nhờ sự tham gia của những “người khổng lồ” quốc tế như Samsung mà diện mạo ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có bước thay đổi tích cực, đáng ghi nhận... 

Trong giai đoạn 2005-2014, số lượng DN điện tử tăng nhanh từ 256 DN lên 1.021 DN. Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử cũng tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động vào năm 2013 và 500.000 lao động vào năm 2016. Dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử sẽ vượt ngưỡng 70 tỷ USD. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối DN FDI.

Cần có chính sách hỗ trợ các DN này để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: CTV.

Bà Tuệ Anh dẫn chứng, chỉ tính riêng năm 2016, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu với trị giá hơn 34 tỷ USD thì các doanh nghiệp FDI đã đến 99,8% điều đó cũng cho thấy vai trò của DN trong nước rất mờ nhạt, thiếu sức sống. Phần lớn DN nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ, chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các DN nước ngoài, còn các DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công. Ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. 

Phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su. Bà Đỗ Thị Thúy Hường, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, trong khi, các DN FDI trong ngành này đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh phụ kiện thì các DN điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10% nên khó có thể cạnh tranh với DN ngoại.

“Trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều DN đầu tư vào điện tử dân dụng, tuy nhiên sau khi các tập đoàn lớn có sản xuất lắp ráp điện tử dân dụng rời khỏi Việt Nam, các DN Việt lại chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối mà không tập trung đầu tư chiều sâu, công nghệ và tự động hoá dẫn đến mất dần năng lực cạnh tranh”, bà Hường nói.

Lý giải vấn đề này, bà Hường cho rằng, các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DN vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, nhất là nếu có đầu tư thì khó có hiệu quả cao ngay từ đầu nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đầu tư công nghệ. So với DN FDI, các DN Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ như đất đai, thuế… Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các linh kiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là nhập các linh kiện để sản xuất các thiết bị đặc chủng được miễn thuế nhập khẩu.

Đánh giá về quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng, phát triển không có chiến lược dài hạn. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất Việt Nam hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí. 

Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với số doanh thu chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm của các DN Việt Nam còn yếu. Do đó, hầu hết các DN Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành.

Cần chính sách hỗ trợ DN trong nước

Để ngành công nghiệp điện tử trở thành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, bà Thuý Hường cho rằng các DN Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt cơ hội từ thị trường trong nước cũng như cơ hội từ bên ngoài thông qua các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam.

Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất Việt Nam hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí. 

Trong khi đó, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty Samsung Việt Nam lại cho rằng để DN Việt kết nối được với DN FDI thì không chỉ có sự nỗ lực từ chính các DN nước ngoài mà bản thân DN nội phải tự cải thiện quy trình sản xuất, công nghệ, kỹ thuật… Theo đó, Samsung đề nghị DN Việt Nam cần mời chuyên gia tư vấn đã từng có thời gian làm việc tại doanh nghiệp FDI. Và quan trọng hơn cả là phải có chính sách hỗ trợ các DN này để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Cao Bảo Anh cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các DN trong nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực công nghệ để có thể tiếp cận được với các sản phẩm mang tính kỹ thuật cao hơn của các DN nước ngoài. Đồng thời, sẽ tạo dựng những kênh để giúp cho DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cũng như được tiếp cận với các DN nước ngoài, làm quen được với những phương thức làm ăn theo thông lệ quốc tế để có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, ông Bùi Bài Cường, vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi DN cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...

Lưu Hiệp
.
.
.