CPTPP - Nếu không tự đổi mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ “thua” ngay trên sân nhà

Thứ Ba, 13/03/2018, 08:35
Với các DNNVV sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt trên sân nhà khi các DN FDI trong khối đổ bộ đầu tư vào Việt Nam theo đó sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh về sản phẩm, giá, sức ép đến từ nhiều phía...


Gia nhập CPTPP được cho là đem lại cơ hội cho các nước thành viên, trong đó có doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, cơ hội tại một thị trường lớn luôn song hành với những thách thức, ngay tại thị trường nội địa, nếu DN Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nếu không có sự chuẩn bị tốt trong đổi mới cách quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng khả năng cạnh tranh sẽ bị “thua” ngay trên sân nhà. Vì vậy, theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ thì đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng được cơ hội mà CPTPP đem lại.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DNNVV Hà Nội cho biết, các nước tham gia CPTPP đều có dân số đông, thu nhập tương đối ổn định. Bản thân Chính phủ các nước cũng hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau bằng các văn bản hợp quy, do đó DN sẽ được hưởng nhiều lợi thế.

Ngoài ra, DN giữa các nước cũng sẽ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh. Thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân, do đó sẽ thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư từ nước ngoài. Hơn nữa, để tham gia CPTPP, các DN sẽ phải cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nhân lực, tài chính… để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự nâng cao nhận thức về CPTPP và chủ động gia nhập thị trường để có thể cạnh tranh bình đẳng. 

“Dưới góc độ là một lãnh đạo DNVVN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư và xây dựng, tôi thấy thị trường mở cửa rộng hơn, tạo nhiều cơ hội nhưng đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn, sức ép đối với DN ngày một lớn, trước thì chỉ cạnh tranh với DN trong nước, nay mở cửa thì cạnh tranh cả với DN các nước trong khối CPTPP.

Theo đó, bản thân tôi và cộng đồng DNNVV phải tự đổi mới, phải hợp tác với các đối tác cùng ngành nghề, không đổi mới thì sẽ “thua” ngay trên sân nhà” - ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Lam, Tổng giám đốc Công ty CP Hợp tác Hưng Thịnh (Vĩnh Phúc) cho biết, Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho các DN XNK nhiều hơn, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, với các DNNVV sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt trên sân nhà khi các DN FDI trong khối đổ bộ đầu tư vào Việt Nam theo đó sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh về sản phẩm, giá, sức ép đến từ nhiều phía.

Do vậy, trong những năm qua, Công ty Hưng Thịnh đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, đầu tư nhà xưởng, dây chuyền máy móc theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, tối ưu hoá sản xuất và khẳng định bằng chất lượng sản phẩm, với tâm thế sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Là một trong những công ty tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm cơ khí cho DN trong nước và DN Nhật Bản nên tự bản thân DN đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng lao động, đầu tư máy móc, rô bốt, hoàn thiện từ khâu thiết kế, sản xuất đến hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nếu không đầu tư, không ứng dụng khoa học công nghệ thì sẽ bị thị trường đào thải ngay, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu. Mới đây, công ty vừa đầu tư 1 triệu USD vào dây truyền sơn dung môi khép kín. 

Đồng quan điểm với ông Lam, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) cho rằng, với CPTPP các DN Việt Nam phải đối mặt với thách thức không nhỏ, đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển, do đó, sức ép cạnh tranh gia tăng, khả năng sẽ đẩy các DN ra khỏi thị trường truyền thống. Trong khi đó, phần lớn DN Việt đa phần là DNNVV, năng lực cạnh tranh hạn chế, nguyên vật liệu, phụ tùng chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Vì vậy, vấn đề nội tại của DNVVN hiện nay là nguồn vốn, nguồn nhân lực. Công ty Hưng Thịnh Phát là một DNNVV hoạt động trong lĩnh vực logistic, tham gia hỗ trợ rất nhiều cho các DNNVV tại Đồng Nai trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Để có thể cạnh tranh, Công ty đã phải chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ,  nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ từ lãnh đạo tới nhân viên theo hướng chuyên nghiệp.  Tuy nhiên, “khi gia nhập CPTPP thì việc cạnh tranh với các DN FDI trong lĩnh vực này cũng khốc liệt hơn, cạnh tranh trong môi trường tự phát triển, tự điều tiết thì bản thân DN phải chuẩn bị thật tốt các thông tin, sản phẩm và dịch vụ của mình thì mới đáp ứng được cuộc chơi. Đã gia nhập thị trường thì phải chấp nhận cuộc chơi, không thể dừng lại, bởi dừng lại là tụt lại phía sau, thua thiệt ngay trên sân nhà thì sẽ không cạnh tranh được”, ông Hưng nói.

Trên thực tế, các DNNVV được cho là DN yếu thế nhất đối với CPTPP, hiện nay, DNNVV biết về CPTPP còn hạn chế, nhiều DN không tham gia XNK cũng không quan tâm dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong gia nhập thị trường, đôi khi dẫn tới thua thiệt về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng nhất là về nhãn hiệu, thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Để có thể khắc phục những hạn chế này, tại Hiệp hội DNNVV Hà Nội và Hiệp hội DN XNK Đồng Nai đã chủ động thông tin tới các hội viên, cảnh báo về những thách thức của CPTPP. Từ đây, DN sẽ hiểu sản phẩm của mình đang sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thuận lợi gì khi hội nhập vào CPTPP. Đồng thời, giúp DNNVV nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, hỗ trợ về mặt pháp lý, nâng cao nhận thức về thuơng hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh mới..

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cơ hội và thách thức luôn song hành trong một thị trường rộng mở, DNNVV tuy yếu thế hơn DN lớn nhưng có những linh hoạt riêng, họ vẫn tìm được lối đi riêng cho mình trên con đường hội nhập, đây là một trong những ưu điểm quan trọng sẽ giúp DNNVV Việt Nam tận dụng cơ hội tại sân chơi mới CPTPP. Tuy nhiên, khi gia nhập CPTPP, yêu cầu về xuất xứ là thách thức với nhiều DNNVV.

Chính vì vậy, nhiều DN đã chủ động nâng cao năng lực, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các nước trong khối CPTPP. Đây cũng là cơ hội cho DNVVN đặt hy vọng cho một bước tiến mới trong quá trình hội nhập, tự nâng cao khả năng cạnh tranh, đưa thương hiệu của DNNVV vươn ra thế giới.

Lưu Hiệp
.
.
.