Tân Hiệp Phát chung sức cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng Thương hiệu quốc gia

Thứ Sáu, 19/04/2019, 09:36
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia đáp ứng xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Việt Nam cần tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019, do Bộ Công thương tổ chức mới tại Hà Nội vào ngày 17-4 vừa qua.

Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD

Chương trình Thương  hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được triển khai thực hiện từ năm 2003 - là chương trình duy nhất của Chính phủ triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

“Thời gian qua, nhiều tập đoàn và DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN. Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước” - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia nhấn mạnh tại diễn đàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Chiến lược thương hiệu quốc gia Việt nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 chỉ có 30 DN thì đến năm 2018 đã có 97 DN được công nhận.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43.

Gắn kết thương hiệu với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thương hiệu quốc gia không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm này, để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, thì việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia đúng mức và đúng cách là biện pháp bổ trợ đáng kể.

“Nếu xây dựng thương hiệu DN yêu cầu sự nỗ lực của một tập thể lao động, thì xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Càng có nhiều nguồn lực khác nhau chung sức tham gia sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể, giúp rút ngắn khoảng cách, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia đáp ứng xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Việt Nam cần tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp tham gia diễn đàn.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.

“Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế” - ông Phú nhấn mạnh.

Đồng thời, sẽ thực hiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và DN để Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam thực sự có sức lan tỏa, đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, Bộ Công thương cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng, Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam" - ông Phú nhấn mạnh./. 

Chiêm nghiệm từ thương hiệu thể hiện ý chí và bản lĩnh Tân Hiệp Phát

Thống kê của các tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy: Chỉ có 20% các thương hiệu ra thị trường sẽ thành công. Như vậy nếu có 10 sản phẩm doanh nghiệp xác định sẽ “chết” 8 còn 2. Doanh nghiệp nào sở hữu vài thương hiệu nổi tiếng là kỳ tích.

Các lãnh đạo doanh nghiệp dự diễn đàn đã chỉ ra tỷ lệ thành công 'chỉ 20% so với 80%' thất bại khi đưa thương hiệu ra thị trường, từ đó có thể thấy xây dựng thương hiệu chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ: Một trong những điều tạo nên sự khác biệt của Tân Hiệp Phát là chọn xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.

Câu chuyện Tân Hiệp Phát được Coca-Cola sẵn sàng mua lại với giá hơn 2 tỷ USD nhưng quyết tâm không bán là ví dụ điển hình về xây dựng thương hiệu Việt. Nhưng nếu chỉ nói thành công và giá trị 'thương hiệu quốc gia Tân Hiệp Phát' hiện nay là chưa đủ. Thành công đó không tự nhiên có, mà phải vượt qua được rất nhiều khó khăn.

Tại diễn đàn, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, một trong những điều tạo nên sự khác biệt của Tân Hiệp Phát là chọn xây dựng thương hiệu ngay từ ngày đầu.

Thành công Tân Hiệp Phát trong việc xây dựng thương hiệu là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhớ lại thời điểm năm 2001, khi đó thị trường nước giải khát đã có rất nhiều thương hiệu lớn tham gia. Và nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ cần làm 'nhái' các thương hiệu đó là đã có thể bán được hàng.

Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát đã lựa chọn không làm sản phẩm đặt tên nhái. Thay vào đó là tạo ra sản phẩm chất lượng, có tên riêng, gắn với đó slogan ấn tượng “lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam” thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Để có thương hiệu nhiều người biết đến như Dr Thanh, Number One, Trà Xanh Không Độ... như hiện nay, Tân Hiệp Phát đã mất 18 năm.

Để thương hiệu được biết đến, đầu tiên người tiêu dùng phải biết sự tồn tại của nó, sau đó người tiêu dùng nhắc đến thương hiệu khi họ mua sản phẩm. Cuối cùng mới là thương hiệu hiệu được khách hàng yêu thương. 

Để có được điều ấy không phải dễ, theo doanh nhân Trần Uyên Phương rất nhiều doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền để doanh nghiệp được yêu thích, đó là một số tiền khổng lồ. Theo xác suất và một số thống kê của các tập đoàn lớn trên thế giới thì chỉ có 20% các thương hiệu ra thị trường sẽ thành công. Nếu như vậy nếu có 10 sản phẩm doanh nghiệp xác định sẽ “chết” 8 còn 2. Đây là bài toán rất đắt tiền. Để có được thương hiệu sản phẩm là cả một quá trình, với thời gian dài.

Bà Phương cho rằng: Nhiều doanh nghiệp bỏ ra số tiền khổng lồ để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nhưng cuối cùng thì chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng nhất.

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nhấn mạnh, thương hiệu khác với nhãn hiệu. Khác ở chỗ thương hiệu phải mất cả một quá trình để xây dựng. Tâp Hiệp Phát xây dựng thương hiệu Number One 18 năm, 14 năm cho nhãn hàng Trà xanh 0 độ, 10 năm để có được nhãn hàng Trà Thảo mộc Dr Thanh. Đó là quá trình dài thể hiện sự nỗ lực tổng thể về chất lượng tổng thể từ chất lượng, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ thương hiệu đó càng khó hơn. Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ câu chuyện nhiều  thương hiệu thế giới đã mất trắng chỉ sau một thời gian rất ngắn vì khủng hoảng.

Vì thế doanh nghiệp mong muốn làm sao có kênh tiếp cận để khi có khủng hoảng, ngay lập tức được cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Việc có cách tiếp cận nhanh hơn khi mà có khủng hoảng xảy ra là điều rất cần thiết với doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, nước giải khát trong bối cảnh thị trường cạnh tranh lớn.

Thêm một thương hiệu thành công là thêm một doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển nền kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp của đất nước, Tân Hiệp Phát đang nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia mang sắc thái riêng, mà những sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm nhiều năm qua là một minh chứng sinh động.

An Khang
.
.
.