Chính phủ thoái vốn, cơ hội dành cho chính doanh nghiệp
- Thoái vốn theo lô phải lường trước tiêu cực, tham nhũng
- Mới thoái vốn ngoài ngành được 8%
- Doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành hơn 821 tỷ đồng
- 5 giải pháp đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Được “điểm danh” trong 10 DN, Vinamilk (VNM), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), FPT… đều là những DN hoạt động hiệu quả, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá khá cao, đồng thời tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại hầu hết những DN này đã tới ngưỡng cho phép.
Theo ước tính, tổng số vốn Nhà nước có thể thu về sau khi thoái vốn tại 10 DN nói trên là khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng việc thoái hết 45,1% cổ phần tại Vinamilk đã có thể mang lại cho ngân sách thêm 2,4 tỷ USD.
Trước đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số DN để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn.
Đánh giá cao chủ trương tái cơ cấu SCIC và quyết định rút toàn bộ phần vốn Nhà nước tại một số DN giàu tiềm năng như trên, ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), cho rằng nguồn vốn của Nhà nước sẽ được phân bổ lại từ khu vực chưa hiệu quả sang khu vực có hiệu quả hơn, từ khu vực sở hữu Nhà nước sang khu vực tư nhân. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, việc thoái vốn sẽ giúp thúc đẩy tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài.
“Lý do các nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn tham gia nhiều vào DN cổ phần hoá là bởi câu chuyện sở hữu Nhà nước. Họ mong muốn kiểm soát được DN về mặt nào đó, được nắm giữ một tỉ lệ nào đó trong DN. Việc giảm tỉ lệ vốn của Nhà nước đồng nghĩa với tăng tỉ lệ của khu vực của tư nhân trong DN, và sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn” - ông Trung phân tích.
Thực tế, ngay sau khi có thông tin Chính phủ thoái vốn, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu. Nổi bật nhất là các mã nằm trong đề án tái cấu trúc SCIC của Chính phủ.
“Động thái thoái vốn của SCIC sẽ tạo cơ hội để “dòng tiền lớn” tiếp cận các cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện tại việc tái cơ cấu SCIC vẫn chưa xác định rõ thời hạn thực hiện, cũng như mức giá thoái vốn với từng DN. Do đó, mức tăng của các cổ phiếu trên vẫn chủ yếu xuất phát từ yếu tố kỳ vọng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng những nhà đầu tư lựa chọn giải ngân vào các cổ phiếu trên, nên cân nhắc những vùng giá hợp lý, tránh mua đuổi trong giai đoạn thị trường hưng phấn nhằm hạn chế rủi ro và tối đa lợi nhuận mang lại”, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) khuyến nghị.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường của VCBS cho rằng quy mô thoái vốn lên tới 3 tỷ USD như quyết định lần này sẽ tạo điều kiện thu hút một dòng tiền mới, chứ không phải làm lụt dòng tiền vốn có trong thị trường như một số ý kiến lo ngại.
Hơn nữa, các công ty thoái vốn lần này đều là các DN làm ăn tốt, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá khá cao, nên sẽ tạo ra một lượng cổ phiếu lưu chuyển lớn, thị trường sôi động và có xu hướng tăng điểm tích cực...