Cảnh báo lừa đảo qua giao dịch điện tử

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:24
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trong giao thương ngày càng trở nên tinh vi với nhiều hình thức như sử dụng tin tặc thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên doanh nghiệp (DN) đang có giao dịch để đánh cắp thông tin.

Giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu DN chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều trường hợp DN tố cáo bị lừa đảo bằng thủ đoạn này.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT) – Bộ Công Thương, cũng đã cảnh báo tình trạng trên để các DN thận trọng hơn khi tiến hành giao dịch và thanh toán quốc tế...

Theo trình bày của bà N.T.N.T (62 tuổi, ngụ quận 6) - Giám đốc Công ty chuyên nhập khẩu thiết bị y tế, là nhà phân phối độc quyền của Clindiag (người đại diện là Romain, sinh sống tại Bỉ): Ngày 6-4-2016, bà T nhận được email romain.cieters@telenet.be của Romain cho biết: Romain có mua bán với phía Thái Lan và nhờ bà T. thanh toán giúp 106.560.000 đồng vào tài khoản số 76010000660741 đứng tên Nguyen Pham Bich Tram. Tin tưởng, cùng ngày bà T. chuyển đủ số tiền trên vào tài khoản theo chỉ định. 

Tiếp đó, bà T. lại nhận tiếp email maketing@clindiag.be cũng của Romain đề nghị chuyển thêm 100 triệu đồng vào tài khoản trên và bà T cũng thực hiện theo. 

Đến ngày 8-4, bà T lại nhận tiếp email của Romain yêu cầu chuyển tiếp 100 triệu đồng nữa vào tài khoản số 0171003451936 đứng tên Nguyen Thi Hong Van. Lúc này, bà T. liên lạc với Romain để xác nhận lại thông tin thì mới hỡi ôi, Romain khẳng định là không hề gửi email nào để mượn tiền bà T.

Không để ý kỹ địa chỉ thư điện tử, doanh nghiệp thường bị tin tặc tấn công đánh cắp thông tin giao dịch để lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Tương tự, ông T.T.S (62 tuổi, ngụ quận 10) - Giám đốc Công ty TNHH Tín Hưng Sơn cho biết: Trong quá trình kinh doanh, Công ty Tín Hưng Sơn có nhận lời ký hợp đồng mua tôm giống của Công ty CP Thái Lan (trụ sở Bangkok, Thái Lan) giúp công ty Saithong Service.,LTD (trụ sở ở Thái Lan) do Công ty CP Thái Lan không bán hàng cho các công ty nội địa.

Theo đó, Công ty Tín Hưng Sơn sử dụng email giao dịch hợp đồng với Công ty CP Thái Lan qua địa chỉ email Prapakorn.T@cpf.co.th để mua 1.040 con tôm giống với trị giá 59.280 USD. Công ty Tín Hưng Sơn thanh toán số tiền mua hàng này vào tài khoản số 020147993388 mang tên Starink Trading Partnership tại một ngân hàng ở Thái Lan.

Tháng 2-2016, Công ty Tín Hưng Sơn nhận email Prapakorm.T@cpf.co.th thông báo là chưa nhận được tiền và đề nghị Công ty Tín Hưng Sơn chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mang tên Đỗ Diệu Thúy và Nguyễn Phạm Bích Trâm. “Tổng cộng, Công ty Tín Hưng Sơn chuyển hơn 5,3 tỷ đồng vào các tài khoản theo chỉ định.

Tuy nhiên, qua xác minh, Công ty CP Thái Lan không nhận được tiền, không cung cấp các tài khoản ngân hàng trên để Công ty Tín Hưng Sơn chuyển tiền và cũng không sử dụng email Prapakorm.T@cpf.co.th  để giao dịch”, ông S cho biết.

Cũng giống như bà T, không biết “kêu cứu” ở đâu, ông S cũng đã tìm đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để nhờ giúp đỡ. Theo điều tra viên trực tiếp thụ lý những trường hợp lừa đảo với thủ đoạn trên thì các đối tượng lừa đảo thường tạo ra địa chỉ email giả mạo giống email của đối tác DN (có thay đổi 1 vài ký tự). Do DN không để ý kỹ nên đã bị lừa.

Theo nhận định của Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công Thương: “Trong vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn nhiều, với nhiều hình thức như sử dụng tin tặc thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên DN đang có giao dịch để đánh cắp thông tin, giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo.

Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự bất cẩn của các DN Việt Nam trong giao dịch như không thẩm định các thông tin về DN đối tác, không sử dụng các biện pháp liên lạc trực tiếp khác như điện thoại, fax, để xác minh thông tin về tài khoản nhận tiền khác với tài khoản ghi trong hợp đồng đã ký. Thậm chí, chúng còn tận dụng những khó khăn về ngôn ngữ, thời gian giao dịch,… để lừa đảo”.

Mới đây, Cục TMĐT và CNTT đã tiếp nhận thông tin về trường hợp Công ty X. (tại TP Hồ Chí Minh) bị lừa đảo tài chính khi giao dịch với đối tác tại nước ngoài. 

Theo thông tin của Công ty X cung cấp, tháng 6-2016, Công ty X. ký hợp đồng mua bán nguyên liệu hạt nhựa với Công ty Y, (Singapore). Hai bên là đối tác thường xuyên, đã nhiều lần thanh toán qua Ngân hàng Singapore. 

Trong tháng 6-2016, Công ty X nhận được email từ đối tác Singapore thông báo lý do Công ty đang bị kiểm toán nên yêu cầu Công ty X thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại Cộng hòa Séc (kèm theo là chứng từ ủy quyền).

Tên tài khoản tại ngân hàng Cộng hòa Séc là tên Công ty Y., giống tên tài khoản tại Singapore. Hai ngày sau, Công ty X, chuyển tiền và sau đó liên lạc với Công ty Y. tại Singapore về việc đã chuyển tiền. Tuy nhiên, Công ty Y. cho biết họ không có yêu cầu như vậy, và không có ngân hàng tại Cộng hòa Séc.

Sau khi tiếp nhận trường hợp bị lừa, Cục TMĐT và CNTT đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc để tư vấn cho DN. Đồng thời đề nghị Công ty X. liên hệ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để tìm hướng giải quyết.

“Đây cũng là bài học cho các DN Việt Nam về việc bảo mật thông tin khi làm việc với đối tác nước ngoài”, đại diện Cục TMĐT và CNTT cho biết.

Thúy Hà
.
.
.