Cải cách thủ tục để doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ CPTPP

Thứ Năm, 30/05/2019, 11:17
Các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP. Ngược lại, hàng hóa của các nước thành viên CPTPP nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng theo cam kết.

Tuy nhiên, mức ưu đãi thuế rất lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhưng cũng đặt ra vấn đề là phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản các thủ tục hải quan, cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu...

Dự báo, khi thực hiện Hiệp định CPTPP mỗi năm GDP Việt Nam được kỳ vọng có thể tăng 1,32%. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng từ 3,8%.-4,04%.

Để thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo CPTPP, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn. Trước mắt là biểu thuế xuất - nhập khẩu cho giai đoạn từ ngày 14-1-2019 đến hết ngày 31-12-2022.

Tại tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành Hải quan bị áp lực về cải cách hành chính với Chính phủ, làm sao để giảm thời gian, giảm thủ tục để hàng hóa được thông quan nhanh nhất nhằm tận dụng những lợi thế ở các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho DN, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng thực hiện thông quan hàng hóa tại Cảng cho DN đã thông quan trên hệ thống, giúp DN không tốn chi phí bốc dỡ container, cũng như chi phí lưu kho, dẫn đến DN giảm được khoảng 10% lượng hàng tồn kho so với trước.

Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, Hiệp định CPTPP chính là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. Song song với những thuận lợi thì đồng thời DN Việt Nam cũng đối mặt với những cạnh tranh hết sức gay gắt về xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thực hiện CPTPP, ngành Hải quan nỗ lực đơn giản thủ tục để giải tỏa ách tắc hàng hóa tại cảng.

Theo ông Thái, thực hiện CPTPP, quan điểm của ngành Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong quá trình làm thủ tục hải quan, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ là yếu tố sống còn đối với DN khi xuất khẩu vào các nước CPTPP và đó cũng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để DN tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Tổng cục Hải quan cũng hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa.

Trong đó, quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP, hướng đến thủ tục chứng nhận xuất xứ được đơn giản hóa. Nếu như trước đây, giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất ra hàng hóa, thì với CPTPP thì các nhà nhập khẩu được phép chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa mà họ nhập khẩu trên cơ sở thông tin hàng hóa do nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cung cấp.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một Hiệp định thương mại tự do mà xuất xứ hàng hóa có thể được nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu tự chứng nhận”, ông Nguyễn Dương Thái nhận định.

“Tuy nhiên, chứng nhận xuất xứ của nhà nhập khẩu sẽ không được áp dụng cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tối đa 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực. Đây là một cách tiếp cận thận trọng được thiết kế để bảo vệ sản xuất trong nước và chống lại tình trạng sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ giả trong thời gian Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Thái nói.

Giải thích rõ hơn về chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho rằng: Đối với hàng xuất khẩu, Việt Nam được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức.

Thứ nhất là cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống. Thứ hai, người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

T.Hà – N.Cẩm
.
.
.