Bất thường chuyện 60 DN “chui” ở cụm công nghiệp Phước Tân

Thứ Hai, 25/06/2018, 09:41
Những ngày qua, sau khi gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) tỏ ra hết sức bất an, phấp phỏng bởi chưa biết số phận của nhiều nhà xưởng đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động tại đây ra sao.


Những ngày qua, sau khi gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) tỏ ra hết sức bất an, phấp phỏng bởi chưa biết số phận của nhiều nhà xưởng đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động tại đây ra sao. Nhất là khi chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa vẫn còn nguyên giá trị và đang “treo” lơ lửng trên đầu các DN.

Theo văn bản ngày 14-5-2018 của UBND tỉnh Đồng Nai thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tại buổi họp nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc của cụm công nghiệp Phước Tân, thì ngoài giao các sở ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về xây dựng tại cụm công nghiệp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu xã Phước Tân không xác nhận cho DN xin cấp điện. 

Đồng thời yêu cầu Sở Công thương hỗ trợ UBND TP Biên Hòa làm việc với công ty điện lực không cấp điện cho những DN xây dựng nhà xưởng không phép tại đây.

Theo đại diện 60 DN đang hoạt động tại cụm công nghiệp Phước Tân, tổng diện tích nhà xưởng các DN đã xây dựng tại cụm công nghiệp này lên đến 150 ngàn m2. Để xây dựng nhà xưởng tại đây, các DN đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và 50-70% vốn đầu tư phải đi vay ngân hàng.

Một DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tại cụm công nghiệp Phước Tân.

Thực tế đã có khoảng 10 DN tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được cấp phép xây dựng. Thời gian qua các DN đã nhiều lần liên hệ với tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa để lập thủ tục đầu tư xây dựng nhưng đều bị ngăn chặn do chồng lấn giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân khu.

Tìm hiểu về quá trình quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân được biết, về mặt pháp lý, cụm công nghiệp Phước Tân mới chỉ chính thức được công nhận từ cuối năm 2015. 

Nhưng rất nhanh chóng, chỉ gần 1 năm sau đó, vào ngày 31-10-2016, UBND TP Biên Hòa đã liên tiếp có 2 văn bản liên quan đến việc Công ty CP Việt Bảo Minh đề nghị thỏa thuận địa điểm và đề nghị thành lập cụm công nghiệp Phước Tân. 

Cùng hình thành kiểu tự phát trên khu đất này, nhưng DN này được cấp sổ đỏ và được cấp phép xây dựng, còn DN khác thì không đã khiến không ít DN tại đây bức xúc. 

Nhưng điều khiến DN càng nản hơn là việc tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa quyết liệt trong việc buộc các DN phải tháo dỡ nhà xưởng, trả lại mặt bằng nguyên trạng chỉ để cho Công ty CP Việt Bảo Minh được đầu tư để làm lại chính cụm công nghiệp Phước Tân.

Để giải quyết bức xúc này, trong báo cáo với UBND TP Biên Hòa vào ngày 16-5 vừa qua, Trưởng phòng Quản lý đô thị Doãn Văn Đồng đã đề xuất TP Biên Hòa kiến nghị tỉnh Đồng Nai xem xét lại chủ trương cho phép thành lập cụm công nghiệp Phước Tân vào năm 2015. 

Tại văn bản này, ông Doãn Văn Đồng cũng kiến nghị TP Biên Hòa đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai rà soát lại việc cấp chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh cho các DN đã hình thành tự phát tại đây. 

Như vậy, để các DN có thể tiến hành xây dựng nhà xưởng không phép trên đất quy hoạch trồng rừng rồi đưa vào hoạt động công khai những năm qua, trách nhiệm không chỉ của Chủ tịch UBND xã Phước Tân mà còn có cả UBND TP Biên Hòa cùng các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư và cả ngành điện.

Đ.Thắng
.
.
.