Vốn, thủ tục hành chính - bài toán đau đầu của doanh nghiệp Việt

Thứ Hai, 29/08/2016, 08:20
Thủ tục hành chính (TTHC) - từng được ví von một cách đầy ẩn ý: “hành” là chính - suốt một thời gian dài trở thành “gánh nặng” trên đôi vai doanh nghiệp (DN).

Bài 3: Vốn, thủ tục hành chính - bài toán đau đầu của doanh nghiệp Việt

Cùng với đó, nhiều DN Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn ngân hàng - đây là con số giật mình, cho thấy sức khỏe của DN đang hoàn toàn nằm trong tay các nhà băng. Vì thế, câu chuyện cục máu đông nợ xấu làm tắc nghẽn cả nền kinh tế, khiến cho các DN lao đao.

Thủ tục "hành" doanh nghiệp

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát 8.053 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.540 DN FDI đang hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố ở Việt Nam trong những năm gần đây, thì thuế luôn được xem là một trong những thủ tục được đánh giá gây phiền hà hàng đầu cho DN.

Với câu hỏi DN đánh giá TTHC nào, trong lĩnh vực nào là phiền hà nhất, kết quả trong 3.870 lượt ý kiến trả lời trên 8.053 DN trong nước tham gia khảo sát, thì đầu bảng trong 5 thủ tục “hành là chính” này, là thủ tục thuế, tiếp theo lần lượt là đất đai, tài nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư; thủ tục bảo hiểm xã hội; thủ tục về xây dựng; giao thông vận tải; thủ tục hải quan…

Sự rắc rối, rườm rà về TTHC không chỉ gây khó khăn cho DN, người dân mà còn khiến nền kinh tế của đất nước bị trì trệ. Trong khi đó, đối với DN, thời gian đồng nghĩa với tiền bạc. 

Lộ trình thực hiện TTHC quá dài, sẽ làm họ mất đi cơ hội làm ăn, tăng chi phí của dự án, đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế bị giảm sút. Đấy là chưa kể, để hoàn tất những thủ tục liên quan đến thuế, DN phải khai lại nhiều lần những thông tin giống nhau tại các cơ quan khác nhau. 

Mỗi lần có giao dịch, lại một lần phải có “phong bì” lót tay “bôi trơn”- điều này vừa gây tốn kém tiền bạc của DN, hao mòn lòng tin, giảm sức cạnh tranh và lại là một cơ hội cho hối lộ và tham nhũng phát triển. 

Theo kết quả rà soát của nhóm nghiên cứu CIEM và dự án GIG, khung pháp luật Việt Nam về hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn tồn tại rất nhiều bất cập, làm cản trở các nhà đầu tư tiếp cận thị trường, nguồn vốn và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. 

Một trong những bất cập đó là sự chồng chéo, không rõ ràng của các quy định pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…

Lãi suất ngân hàng quá cao đang “cấu” vào lợi nhuận DN.

Trong thời kỳ tạm gọi là hưng thịnh, bị thủ tục thuế “hành”, DN ảnh hưởng, nhưng vẫn có thể phát triển, dù thực tế, sự phát triển đó cũng hạn chế, cầm chừng và được ví von đầy tâm trạng như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “DN Việt Nam đội thuyền thúng ra biển lớn”. Song, đến khi kinh tế khủng hoảng, các TTHC trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Giống như một con lừa kiệt sức trên sa mạc, chỉ cần vắt thêm 1 chiếc áo cũng khiến nó quỵ ngã.

Thực tế, không ít DN đã “gục ngã” trong cơn bão khủng hoảng. Cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan… là chủ trương của Chính phủ đang được nhiều bộ, ngành quyết tâm thực hiện. 

Tại Hội thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về Đầu tư kinh doanh tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng trong những năm qua, quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng ngày càng phức tạp, đi cùng với đó là sự tốn kém về thời gian và chi phí cho DN cũng như xã hội.

Vốn, lãi suất âm thầm “giết” doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn. Song, nói nhiều, kêu nhiều, nhưng “gỡ” dường như chẳng được bao nhiêu. Số liệu từ Hiệp hội DN Quận Hải An Hải Phòng cho thấy đa số các DN, trong đó có những DNNVV, đều gặp khó khăn về tài chính. 

Nếu như 76% số DN lớn vay được vốn được từ ngân hàng, thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn lại phiền hà…

Do vậy, DNNVV buộc tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng (chợ đen). Nếu như các DN lớn tìm cách xoay xở, vay được vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1%, thì những DN nhỏ phải xoay xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6%  trên tổng số vốn đầu tư. 

Rõ ràng các DNNVV đang thiếu vốn, trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp. Vì vậy, hầu hết các DN đều đang phải tự thân vận động. DN dân doanh vẫn lo ngại trước môi trường kinh doanh còn thiếu bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh so với các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), DN Nhà nước.

Chính các chính sách hỗ trợ DN FDI, cũng như chính sách siết quản lý hoạt động sản xuất- kinh doanh của DN, đã đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng “một cổ nhưng mấy tròng”. 

Theo Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, dù theo quy định, khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, trong đó cho phép tiếp cận nguồn vốn này. Tuy nhiên, đến nay số DN tư nhân được vay ODA mới đếm trên đầu ngón tay. 

Chưa kể, thủ tục để DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn này vốn nan giải. Trong khi đó, với lãi suất thấp, thời hạn cho vay lâu dài, DN nhà nước khi được vay vốn ODA sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh quá lớn đối với DN tư nhân. Mặt khác: vốn ODA khi “chảy” vào DN nhà nước có nguy cơ vận động theo “tư duy nhiệm kỳ”, “cơ cấu khóa” dẫn đến tình trạng người đứng đầu thiếu trách nhiệm với đồng vốn, không phát huy hiệu quả, thậm chí gây thất thoát, trở thành gánh nặng cho nhà nước.

Không chỉ khó tiếp cận vốn, lãi suất là vấn đề luôn làm đau đầu DN. Theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. 

Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu đựng là 7 - 8%/năm- cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các DN trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, cũng như nợ công của Chính phủ. 

Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Cộng hưởng với đó, vốn vay cũng đang “bào mòn” lợi nhuận của DN. Câu chuyện tăng lãi suất huy động lên trên 8%/năm ở một vài ngân hàng thương mại khiến cho lo ngại về khả năng tăng lãi suất vẫn hiện hữu.

“DN tư nhân chưa được đối xử bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước. Một số cơ chế chính sách liên quan đến DN khi ban hành và cả thực thi đều ưu tiên, định hướng cho DN Nhà nước. Không ít cán bộ tại các bộ, ngành và chính quyền địa phương vẫn tồn tại suy nghĩ cơ quan nhà nước là thủ trưởng, là "cấp trên" của DN nên tự cho mình quyền ban phát. Nếu không quyết liệt xóa bỏ tư tưởng này trong một bộ phận cán bộ công quyền thì cơ chế xin cho, thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền đối với DN vẫn sẽ tồn tại, gây cản trở lớn cho sự phát triển” - Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Lệ Thúy
.
.
.