Khởi động Năm Quốc gia khởi nghiệp

Bài 2: Truy tìm tác nhân “giết” doanh nghiệp

Chủ Nhật, 28/08/2016, 12:52
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Chuyên gia tại Bộ Tư pháp cho rằng câu nói “trên rải thảm, dưới rải đinh” nghe có vẻ chua chát, nhưng không hoàn toàn sai, thậm chí nó đã lột tả chính xác được những bất bình đẳng mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải chịu khi tham gia vào cộng đồng DN Việt Nam.

Tìm “đinh” trong thể chế pháp luật

“Đinh có mặt ở khắp nơi,  từ trong các thể chế - các văn bản quy phạm pháp luật, cho đến trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền” - TS Sơn nhận định.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Sơn dẫn các ví dụ để “nhận diện” các loại đinh. Với văn bản pháp luật, “đinh” nằm chủ yếu ở các thông tư - văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, cá biệt có trong một số quy định của Chính phủ, và “đinh” trong các văn bản của địa phương.

Ví dụ, cuối năm 2015, tỉnh Quảng Ninh ban hành 2 quyết định đặt ra một loạt điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long như rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy 5 năm - 10 năm; quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú; phải có thiết bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu.

Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động.

“Những quy định này đã bức tử các DN đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1.000 lao động sẽ mất việc làm, vi phạm 1 loạt các luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy. Cũng có thể nói, vi phạm Điều 14, Điều 33 Hiến pháp 2013”- TS Sơn cho biết.

Gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp là nộp thuế, phí. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Đáng buồn đây không phải là trường hợp cá biệt, vì câu chuyện “bia tỉnh ta xi măng tỉnh ta” là một ví dụ, và nó cho thấy chính các địa phương đang tạo sân chơi bất bình đẳng, gây khó cho DN ngoại tỉnh. Không chỉ cục bộ, địa phương, ở một số bộ, ngành, có hiện tượng ban hành quyết định hành chính “bẻ ghi” quy định đã có hiệu lực.

Có thể ví dụ như trường hợp Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1328/QĐ-BTC đính chính Thông tư 157/2011 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó mô tả hàng hóa “Bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của xe ôtô” nhằm tăng thuế của các loại xe này từ 5% lên 7% và yêu cầu truy thu thuế của DN.

Hay Bộ Công thương với 2 thông tư xác định thời hạn lưu giữ của hàng tạm nhập tái xuất không quá 15 ngày, gia hạn 25 ngày, trái Luật Hải quan (thời hạn là 12 tháng, gia hạn 6 tháng) và quy định “tạm dừng, thu hồi mã số tạm nhập, tái xuất hàng”- về bản chất là xử phạt, đình chỉ hoạt động của DN.

Rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Thông tư số 13/2011/TT-BNN&PTNT quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải “sản xuất tại quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm”, mặc dù trong Luật An toàn thực phẩm không có quy định điều kiện này…

Tại Hà Nội, quy định điều kiện kinh doanh taxi ở Hà Nội phải có trên 50 xe và phải xin logo “Taxi Hà Nội”, trong khi Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện về số lượng xe tối thiểu là 10-20 xe. Điều này là không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây sức ép về kinh phí cho các DN muốn kinh doanh, buộc các DN đang hoạt động phải đáp ứng, biểu hiện độc quyền, lợi ích cục bộ. 

Hay Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng 5.000 tấn thóc, có ít nhất một cơ sở xay xát gạo có công suất 10 tấn/giờ. Điều này là không hợp lý, hạn chế quyền kinh danh, tạo tiêu cực (mượn giấy phép) tăng chi phí của DN...

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, “ma trận” điều kiện kinh doanh mà DN đang phải đối mặt giống như người thợ điện đứng giữa mớ dây chằng chịt, không biết tháo ở điểm nào.

Thuế, phí ăn mòn lợi nhuận DN

Thực tế, câu chuyện thuế, phí “ăn mòn” lợi nhuận DN đã từng được đề cập rất nhiều lần. Trong báo cáo Doing Bussiness 2016 do WB công bố, DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác... Dù tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà DN Việt Nam phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc... nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Một trong những nguyên nhân khiến tổng số thuế phải nộp trên lợi nhuận tại Việt Nam lên đến gần 40% là do mức nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội quá cao, lên tới 18%.

Mặc dù Bộ Tài chính đã lên tiếng giải thích bảo hiểm, phí công đoàn không phải là thuế “ăn mòn” lợi nhuận DN, nhưng những khoản đóng góp đang “cấu” vào ruột của DN, dù gọi là gì thì cũng vẫn và đang tồn tại, đang tiếp tục là gánh nặng cho DN Việt, đặc biệt là những DNNVV luôn ở trong tình trạng thiếu và yếu.

Ngoài ra, có hàng trăm khoản phí không chính thức, đặc biệt là phí “bôi trơn” là một trong những nỗi sợ hãi thực sự của DN, vì các khoản phí này không những phải chi định kỳ, mà kể cả bất thình lình xuất hiện. Điều đáng nói là dù khoản chi rất lớn, nhưng không có một hóa đơn, giấy tờ nào, nên kế toán cứ phải hợp thức hóa số tiền bằng mọi cách.

Bởi vậy, một kế toán được đánh giá giỏi là 1 người có quan hệ rộng để có thể mua khống được hóa đơn, hợp thức hóa được những hóa đơn quay vòng, để có thể “chống chế” với lực lượng kiểm tra chuyên ngành, sau khi đã có phong bì “lót tay” đi kèm.

Than thở về phí “bôi trơn”, giám đốc một công ty trong ngành xây dựng cho biết kể từ khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay, mảng xây dựng hạ tầng sống “vật vã”.

“Mật ít ruồi nhiều”, có mỗi hạng mục con con, hàng chục DN nhảy vào “đấu đá”. Phần thắng không thuộc về DN mạnh, mà thuộc về “đối tác mạnh” của DN. “Đối tác mạnh” ở đây là vai trò, vị trí của một “ông” cán bộ nào đó đủ thẩm quyền “cướp” dự án.

Và dĩ nhiên, đổi lại cái “thẩm quyền” đó, DN cũng phải chi 25-35% tổng vốn của gói. 65-75% số tiền còn lại, tính toán sao cho đủ chi phí trang trải công trình, nộp thuế, phí… dư chút ít trả công cho nhân viên là còn may mắn. “6 năm nay tồn tại được, chúng tôi còn may mắn hơn hàng trăm nghìn DN phải giải thể, phá sản khác” - vị giám đốc này ngao ngán chia sẻ.

Thực trạng này không chỉ xảy ra nhỏ lẻ, mà nó gần như là hiện tượng phổ biến. Các khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (năm 2014 và 2015) đều cho thấy, "chi phí bôi trơn" của DN không những không giảm mà còn tăng lên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đây dẫn số liệu của WB: DN Việt cứ làm ra một đồng lợi nhuận thì mất 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng để "bôi trơn"!

Như vậy, nguyên nhân vì sao DN “chết hàng loạt” đã rõ. Vấn đề là, vì sao cái sự “không bình thường” này từ lâu vẫn được coi là “bình thường”? Nếu cứ tiếp tục tình trạng “quằn quại” như thế này, liệu các DN và nền kinh tế Việt Nam bao giờ mới “lớn”?

Hiện tại, tuy thuế thu nhập có giảm chút ít song các loại thuế và phí đều tăng như: thuế xăng dầu, thuế môi trường, thuế phương tiện, phí đường bộ, bảo trì đường bộ, bến bãi, bảo hiểm xã hội… đều tăng rất cao dẫn đến lợi nhuận của DN vận tải thấp, thậm chí không có lãi nên rất khó cho DN đầu tư phát triển lớn mạnh để đủ sức cạnh tranh. (Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải đường bộ Hải Phòng)
Lệ Thúy
.
.
.