Agribank ưu tiên đồng hành phát triển kinh tế xanh

Thứ Bảy, 10/09/2016, 06:37
Trước thực trạng suy thoái môi trường nông nghiệp đang diễn ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank cho biết đồng hành phát triển kinh tế xanh sẽ là ưu tiên quan trọng mà ngân hàng này hướng đến.


Số liệu đáng báo động về suy thoái môi trường nông nghiệp cho thấy cả nước có khoảng 2 triệu ha đất suy thoái nghiêm trọng và 9,3 triệu ha đất đang bị thoái hóa. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu đã làm thoái hóa đất, tăng quá trình axit hóa đất và làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, một tình trạng rất đáng báo động đó là Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn so với Thái Lan và Philippines (hai nước sản xuất nông nghiệp lớn tại ASEAN). Bên cạnh đó, hàng triệu tấn chất thải hữu cơ và chất ô nhiễm khác cũng đang được thải ra môi trường nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm)…

Agribank chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, bền vững.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng đầu tư công cho bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp định hướng và phát triển kinh tế phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình Kinh tế xanh.

Là ngân hàng thương mại (NHTM) đi đầu trong tài trợ tín dụng cho các mô hình tăng trưởng xanh, ông Vũ Trọng Thắng - Phó ban Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank cho rằng một vấn đề đang tồn tại mà chúng ta phải thừa nhận đó là nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn đang duy trì phương thức sản xuất cũ, manh mún, mạnh ai người ấy làm theo kiểu tự phát, việc sử dụng tràn lan không kiểm soát các chất cấm trong sản xuất ở tình trạng đáng báo động, chất lượng đầu ra của sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, tính liên kết hạn chế, nếu không nói là yếu kém, ứng dụng công nghệ cao mới bắt đầu triển khai ở giai đoạn thí điểm… dẫn đến chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó tìm được chỗ đứng ở các thị trường tiềm năng nhưng khắt khe khi đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu…

Đại diện Agribank cho biết, với nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất kinh doanh và giúp Agribank giảm thiểu các rủi ro tín dụng, thời gian qua, Agribank luôn chú trọng tín dụng vào dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và NHNN có chỉ thị về vấn đề này Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội.

Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên...

Lệ Thúy
.
.
.