Xung quanh vụ thẩm phán tiếp bị cáo tại nhà riêng

Thứ Sáu, 30/06/2023, 15:07

Ngày 30/6, TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã trả lời Cơ quan điều tra VKSND tối cao về kiến nghị khắc phục và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với thẩm phán Nguyễn Thị Sinh và Chánh án TAND huyện Đức Trọng trong quá trình giải quyết vụ án “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, bị cáo Lê Thị Thanh Thủy, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương.

Theo ông Đào Chiến Thắng, Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng, đối với hành vi tiếp bị cáo Lê Thị Thanh Thủy tại nhà riêng của thẩm phán Nguyễn Thị Sinh, TAND huyện Đức Trọng đã tổ chức kiểm điểm trước cơ quan. Hiện lãnh đạo TAND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét đề xuất của TAND huyện Đức Trọng và Phòng Tổ chức cán bộ đối với hành vi của thẩm phán Nguyễn Thị Sinh.

Đối với kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo TAND huyện Đức Trọng về hành vi ra quyết định tạm giam bà Lê Thị Thanh Thủy trái quy định của pháp luật vì hành vi của bị cáo này thuộc tội ít nghiêm trọng, Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để đảm bảo việc giải quyết, xét xử vụ án, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa đã tham mưu, đề xuất ông Trịnh Văn Hùng, Chánh án TAND huyện Đức Trọng tiếp tục ký quyết định tạm giam bị cáo Lê Thị Thanh Thủy với thời hạn 30 ngày để đảm bảo công tác xét xử là đúng quy định.

Thẩm phán tiếp bị cáo tại nhà riêng, tố nhận hối lộ chỉ bị kiểm điểm -0
 Trụ sở TAND huyện Đức Trọng.

Trước đó, ngày 28/3, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã kiến nghị Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng về việc khắc phục và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong văn bản kiến nghị, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cho biết, cơ quan này nhận được đơn của bà Lê Thị Thanh Thủy tố cáo thẩm phán Nguyễn Thị Sinh đã nhận hối lộ của bà 20 triệu đồng tại nhà riêng của thẩm phán Sinh để giúp bà này được hưởng án treo; tố cáo VKSND huyện Đức Trọng ra lệnh bắt bị can để tạm giam và TAND huyện Đức Trọng ra lệnh tạm giam đối với bà Thủy trái pháp luật. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định, không đủ căn cứ xác định thẩm phán Nguyễn Thị Sinh đã nhận hối lộ tiền của bà Thủy.

Cũng theo Cơ quan VKSND tối cao, việc VKSND huyện Đức Trọng ra lệnh bắt bị can để tạm giam và TAND huyện Đức Trọng ra quyết định tạm giam bà Thủy là vi phạm khoản 3, Điều 119, Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thời hạn tạm giam bà Thủy sau đó đã được khấu trừ vào thời hạn chấp hành án.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với nguồn tin về tội phạm trên. Tuy nhiên, việc Chánh án TAND huyện Đức Trọng ra quyết định tạm giam bà Thủy là vi phạm khoản 3, Điều 119, Bộ Luật hình sự. Thẩm phán Nguyên Thị Sinh tiếp bà Thủy tại nhà riêng là vi phạm Luật Tổ chức Toàn án nhân dân.

Trước đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng đã đề nghị TAND tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm của bà Nguyễn Thị Huyền, Chánh án TAND TP Đà Lạt, thẩm phán Nguyễn Đặng Thị Thới và các Hội thẩm nhân dân là ông Dương Hải Long, bà Đỗ Thị Thanh Hương. Những vi phạm này có liên quan tới việc thụ lý, giải quyết một vụ án đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành điều tra và vụ án đã được giải quyết bằng bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm năm 2017 của TAND TP Đà Lạt.

Khắc Lịch
.
.
.