Xóm cư dân gần 10 năm sử dụng nước giếng khoan ở nghĩa trang

Thứ Năm, 05/09/2024, 07:00

Gần 10 năm nay, hàng chục hộ dân thôn 1B xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) phải sử dụng nước giếng khoan ở khu vực nghĩa trang. Nhiều người cho rằng, nguồn nước bị ô nhiễm đã đe dọa đến sức khoẻ, nguy cơ bệnh tật và ảnh hưởng đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ…

Thực hiện chủ trương bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện xây dựng Nghĩa trang nhân dân phía Nam TP Huế (dự án do Công ty Môi trường Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư), gần 10 năm trước, thực hiện ý kiến của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên Huế) chuyển đến khu tái định cư sinh sống, Nhưng gần 10 năm nay, người dân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng mà nguồn nước duy nhất để sử dụng là từ một giếng khoan (xung quanh là các ngôi mộ) và bể chứa được xây dựng nằm ngay trong khuôn viên nghĩa trang.

Ông Nguyễn Phơ (SN 1952, người dân khu tái định cư thôn 1B) nói trong lo lắng cho biết người dân trong vùng kéo ống để đưa nước tại bể chứa chung được xây dựng trong khu vực nghĩa trang về từng nhà để sử dụng. “Mặc dù nguồn nước ngày càng ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác nên người dân đành phải sử dụng. Nếu tiếp tục dùng nước từ đây, nguy cơ lâm bệnh rất dễ xảy ra…”, ông Phơ băn khoăn.

Xóm cư dân gần 10 năm sử dụng nước giếng khoan ở nghĩa trang -0
Nước giếng khoan và bể chứa nằm trong khu vực nghĩa trang mà hàng chục hộ dân thôn 1B, xã Thủy Phù sử dụng nhiều năm nay.

Cùng chung nỗi lo, ông T.C.S., người dân khu tái định cư thôn 1B cho biết, trước khi dời đi, các đơn vị hứa hẹn sẽ khoan cho mỗi nhà 1 giếng nước và sau đó sẽ có hệ thống nước máy. Tuy nhiên đến bây giờ người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng khoan chung ở nghĩa trang. “Nước từ giếng khoan rất bẩn, nhiễm phèn nặng, lúc bơm lên có một lớp màng giống như bùn non. Khi dùng nước giặt đồ có thể biến một chiếc áo màu vàng chuyển thành màu đỏ. Để đảm bảo sức khỏe, gia đình tôi phải mua nước bình về nấu ăn, nước giếng khoan chỉ dùng để sinh hoạt hằng ngày”, ông S kể thêm và cho biết, không những nước giếng khoan bị nhiễm phèn, bẩn mà có thời điểm nguồn nước cũng không đủ cung cấp để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Theo quan sát của chúng tôi, giếng khoan nằm trong khuôn viên nghĩa trang, trong khi bể chứa nước chung nằm ở một cồn đất cao, sát với tường rào nghĩa trang, phía sau tường rào là nhà dân sinh sống. Do lo lắng nguồn nước không đảm bảo an toàn khi kéo nước về bể tại từng hộ gia đình nên nhiều hộ dân phải sử dụng thiết bị lọc thủ công để lắng cặn sau đó mới sử dụng. Theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần phản ánh tới cơ quan chức năng để mong có phương án, sớm đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp, kế hoạch cụ thể để giải quyết. Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết, đến nay có 47 hộ dân sinh sống ở khu vực gần với Nghĩa trang nhân dân phía Nam chưa có nước sạch, trong đó khu tái định cư thôn 1B hơn 10 hộ. “Người dân sinh sống ở khu vực này có những hộ không sử dụng nước ở nghĩa trang. Việc chưa được đấu nối nước sạch gây khó khăn cho người dân ở đây”, ông Trí nói.

Vẫn theo ông Trí, hơn 2 năm trước, hạ tầng nước sạch được xây dựng hoàn thành nhưng đến cuối tháng 8/2024 vẫn chưa thực hiện việc đấu nối. Nguyên nhân có thể do Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế (chủ đầu tư) và Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO - đơn vị cấp nước sạch) chưa thống nhất được phương án. “Việc không được đấu nối nước sạch không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã. Trước thực trạng này, người dân nhiều lần kiến nghị, xã cũng có ý kiến lên các cơ quan liên quan nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Trí cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, công ty cùng HueWACO và UBND thị xã Hương Thủy vừa tổ chức cuộc họp để bàn giải pháp tháo gỡ liên quan đến việc người dân nhiều năm thiếu nước máy, sử dụng nước giếng khoan ở nghĩa trang. “Trước đó, khi hoàn thiện hạ tầng, đơn vị đề xuất UBND thị xã Hương Thủy tiếp nhận công trình để quản lý, vận hành việc cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, do chưa có đơn vị sự nghiệp trực tiếp quản lý, UBND thị xã Hương Thủy có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho HueWACO. Thế nhưng, do liên quan đến các thủ tục, quy định, việc bàn giao cho HueWACO không thể thực hiện được. Không chỉ dự án này mà nhiều dự án trong và ngoài tỉnh cũng gặp vướng mắc tương tự”, ông Khánh chia sẻ.

Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, trong thời gian chờ tỉnh chỉ đạo, đơn vị sẽ ký hợp đồng với HueWACO để cấp nước cho người dân. “Chúng tôi vừa thông báo cho người dân, ai có nhu cầu thì đăng ký, sau đó sẽ tiến hành đấu nối để cấp nước. Việc thực hiện ký kết hợp đồng được sớm triển khai, nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là phục vụ người dân trong lúc chờ tháo gỡ vướng mắc khác”, ông Khánh cho biết. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, dù vướng mắc về thủ tục pháp lý để quản lý hạ tầng, nhưng trước mắt, thị xã yêu cầu các đơn vị thực hiện đấu nối để cấp nước, đảm bảo cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Hiện, HueWACO đồng ý đấu nối, người dân thực hiện lắp đồng hồ để đưa nước vào nhà sinh hoạt. Sau đó, thủ tục quản lý, vận hành sẽ có các cuộc họp cụ thể giữa các cơ quan liên quan để tham mưu và xin ý kiến tỉnh…

H.Lan-H.Anh

.
.
.