Xã hội hóa trung tâm đăng kiểm và những hệ lụy đã được cảnh báo

Thứ Sáu, 06/01/2023, 08:23

Từ chuyện nhận tiền để bỏ qua lỗi chưa đạt của xe khi đăng kiểm, đến chuyện giám đốc trung tâm đăng kiểm (TTĐK) không biết chữ đang gây xôn xao dư luận. Mặt trái từ việc xã hội hoá các TTĐK đang ngày một lộ rõ và đã được nhiều chuyên gia cảnh báo…

Xem xét lại quy định trình độ của giám đốc trung tâm

Liên quan vụ án xảy ra tại các TTĐK ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành, ngày 4/1/2023, Công an huyện Nhà Bè và Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè), CQĐT đã khởi tố 10 bị can về tội "nhận hối lộ" và tội "môi giới nhận hối lộ".

dk-1672968264256.jpg
Kiểm định phương tiện là khâu quan trọng đảm bảo an toàn trước khi xe lưu thông trên đường.

Cùng ngày, tại phía Bắc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cũng khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can và ra lệnh bắt tạm giam Thân Văn Hòa, Trần Văn Quyền, Trần Văn Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến (đều là Phó Giám đốc TTĐK 98-06D tại TT Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và Trương Ngọc Tân (nhân viên) về tội "nhận hối lộ". Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một số ôtô đưa đón công nhân bị đục số khung, số máy nhưng vẫn được đăng kiểm, lưu hành. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định TTĐK 98-06D là đơn vị thuộc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Nam (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có biểu hiện sai phạm.

Điều đáng nói, cả hai trung tâm có người bị khởi tố nêu trên đều là đơn vị đăng kiểm tư nhân. Trước đó, vào tháng cuối cùng của năm 2022, Công an TP Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã làm rõ các hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số TTKĐ phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh. Riêng Công an TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh khám xét 13 TTKĐ, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can với các tội “nhận hối lộ”, môi giới hối lộ” và “giả mạo trong công tác”.

Nhìn nhận về vấn đề xã hội hoá đăng kiểm, đặc biệt là vấn đề “giám đốc không biết chữ”, ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Dù giám đốc TTĐK không phải là người ký giấy đăng kiểm cho xe cơ giới nhưng không thể chấp nhận là người “không biết chữ”. Có thể giám đốc không có trình độ kiểm định nhưng phải có trình độ để quản lý, điều hành doanh nghiệp. Làm sao người học lớp 3 có thể điều hành quản trị doanh nghiệp? Vấn đề đăng kiểm liên quan đến cả tính mạng của người dân”, ông Liên nói và đề xuất, trong trường hợp các quy định pháp luật chưa có quy định cụ thể về yêu cầu trình độ của giám đốc TTĐK thì nên xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mạnh tay xử lý sai phạm

Nhìn lại có thể thấy, trước năm 2019, hầu hết các TTĐK xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về sau, với việc quy định về phát triển TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng TTĐK mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các TTĐK do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3 – 4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay cả nước có hơn 200 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm với hơn 400 dây chuyền kiểm định.

Không thể phủ nhận việc xã hội hóa công tác đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ bất cập. Đó là sự xuất hiện của những TTĐK kém chất lượng, tiêu cực. Đặc biệt, từ năm 2019, Bộ GTVT tiến hành thanh tra đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả cho thấy, có tới 30/34 TTĐK có sai phạm. Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tạm đình chỉ hoạt động 12 đăng kiểm viên và tạm dừng 2 TTĐK do có 2 lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục. Trước những bất cập nảy sinh cùng với quá trình xã hội hóa công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buộc phải đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện tại các TTĐK. Song các giải pháp đưa ra từ 3 năm trước chưa phát huy hết hiệu quả.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định, xã hội hóa công tác đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu và khắc phục được những bất cập, tồn tại phát sinh, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phải thật sự có trách nhiệm, nghiêm minh và cương quyết trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho rằng, những tiêu cực trong công tác đăng kiểm xảy ra và tồn tại trong thời gian qua, phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Họ đã làm không nghiêm, không hết trách nhiệm.

“Những tiêu cực xảy ra trong các TTĐK thời gian qua thì người kiến thức rất bình thường cũng có thể phát hiện ra ngay. Phải đặt ra nghi vấn khi có hiện tượng bất thường xảy ra và ngay lập tức cơ quan chức năng phải vào cuộc. Khi kiểm tra mà không đủ tiêu chuẩn thì phải đóng cửa” – ông Nguyễn Văn Thanh phân tích, và cho rằng, Cục Đăng kiểm Việt Nam làm mạnh tay đối với những TTĐK làm ăn gian dối, tiêu cực, thì công tác đăng kiểm sẽ trở lại trật tự.

Một trong những bước đột phá mà xã hội hóa đăng kiểm mang lại chính là tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng và xóa bỏ cơ chế xin – cho trong công tác đăng kiểm. Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu để phát hiện nhiều trạm đăng kiểm sai phạm, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực đăng kiểm.

Ở góc độ khác, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, giải pháp hiệu quả và bền vững để nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm chính là tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ làm công tác đăng kiểm. Khi ý thức đạo đức nghề nghiệp được nâng cao, các trường hợp cố tình sai phạm sẽ ít xảy ra.

Ngày 5/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau khi rà soát, nắm tình hình, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy, hiện nay, đang xảy ra tình trạng các chủ phương tiện ôtô thực hiện kiểm định lần đầu tại các trung tâm đăng kiểm có hành vi sai phạm và đang bị điều tra buộc phải đóng cửa, do chưa lấy được giấy chứng nhận đăng kiểm, hành khách đã tiếp tục đi sang các trung tâm đăng kiểm khác để thực hiện kiểm định lại. Điều này không những gây mất thời gian cho các chủ phương tiện khi phải xếp hàng chờ trong hoàn cảnh ùn tắc vẫn đang kéo dài tại các trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh, mà còn làm ảnh hưởng đến dữ liệu đăng kiểm phương tiện.

Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo những chủ xe đã có giấy hẹn lấy Giấy chứng nhận đăng kiểm tại các Trung tâm đăng kiểm đang đóng cửa do sai phạm, thì tiếp tục đến những trung tâm này để lấy Giấy chứng nhận. Hiện các trung tâm này vẫn có nhân viên nghiệp vụ trực để thực hiện nhiệm vụ này. Chủ xe có nhu cầu đến trung tâm đăng kiểm chủ động mở cổng, vào phòng chờ để gặp nhân viên, đưa giấy hẹn và lấy giấy chứng nhận đăng kiểm ôtô một cách bình thường. Hiện tại, địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ còn 8/17 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động, với 22 dây chuyền kiểm định hoạt động (đạt 41% so với 53 chuyền trước đây). Công suất tối đa kiểm định 1.300 lượt/ngày, bằng 35% so với trước.

Đặng Nhật
.
.
.