Viện Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk kiến nghị điều tra các dấu hiệu sai phạm tại Công ty 470
Thông tin từ Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản phản hồi của Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng về kiến nghị tiếp nhận xác minh, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 (gọi tắt là Công ty 470, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12) và một số cá nhân, doanh nghiệp liên quan.
Theo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, ngày 17/6, đơn vị đã có văn bản kiến nghị gửi đến Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng. Theo văn bản kiến nghị, thông qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty CP Thương mại Đức Dũng (Công ty Đức Dũng), bị đơn là Công ty 470 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Viện KSND Đắk Lắk nhận thấy có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo hồ sơ, vào ngày 22/10/2018, Công ty 470 ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại CP Quân đội - Chi nhánh Đắk Lắk (MB Đắk Lắk) để vay số tiền 5,8 tỷ đồng, thực hiện gói thầu XL09-CT xây dựng đường cao tốc ở tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn.
Để được MB Đắk Lắk giải ngân tiền vay, Công ty 470 đã cung cấp cho MB Đắk Lắk hợp đồng mua xi-măng, sắt thép của Công ty Đức Dũng trị giá hơn 20 tỷ đồng để thi công tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ngoài ra, Công ty Đức Dũng và Công ty 470 cũng đã lập tổng cộng 4 hóa đơn giá trị gia tăng. Tiếp đó, từ tháng 1 đến tháng 4/2019, Công ty 470 ký các hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đắk Lắk (BIDV Đắk Lắk) để vay tổng số tiền 4,63 tỷ đồng. Để ngân hàng giải ngân tiền vay, Công ty 470 đã cung cấp cho BIDV Đắk Lắk các hóa đơn và biên bản đối chiếu công nợ.
Ngoài ra, trong 2 ngày 1/3/2019 và 30/5/2019, Công ty 470 ký giấy nhận nợ với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk (VIETINBANK Đắk Lắk) với tổng số tiền là 2,43 tỷ đồng. Để VIETINBANK Đắk Lắk giải ngân tiền vay, Công ty 470 đã cung cấp cho ngân hàng hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Đức Dũng và hóa đơn giá trị gia tăng. Trong quá trình kiểm tra, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy, có 2 hóa đơn được Công ty 470 cung cấp cho 2 ngân hàng là MB Đắk Lắk và BIDV Đắk Lắk để vay tiền, 1 hóa đơn cung cấp cùng lúc cho 3 ngân hàng là MB Đắk Lắk, BIDV Đắk Lắk và VIETINBANK Đắk Lắk để vay tiền. Căn cứ vào hợp đồng tín dụng đã ký kết và hợp đồng mua bán hàng hóa, cùng các hóa đơn GTGT mà Công ty 470 cung cấp, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5-2019, 3 ngân hàng trên đã chuyển 14 lần với tổng số tiền 12,938 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Đức Dũng. Trong khi đó, Công ty Đức Dũng chỉ giao xi-măng, thép cho Công ty 470 với tổng giá trị chỉ hơn 2,9 tỷ đồng. Số tiền hơn 10 tỷ đồng còn lại, Công ty Đức Dũng lấy lý do không có hàng hoặc Công ty 470 không nhận hàng để làm thủ tục hủy hóa đơn và trả lại tiền cho Công ty 470.
Theo đánh giá của Viện KSND, số tiền hơn 10 tỷ đồng Công ty 470 không sử dụng vào việc mua xi-măng, sắt thép để thi công công trình theo hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng sau khi nhận lại tiền từ Công ty Đức Dũng đã không trả lại cho ngân hàng mà sử dụng vào các mục đích khác, dẫn đến nay không trả được toàn bộ số tiền gốc và lãi cho ngân hàng MB Đắk Lắk và BIDV Đắk Lắk dù đã quá hạn trả nợ 3 năm, tính từ ngày nợ đến hạn trả…
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty 470 cho biết, đơn vị cũng vừa nhận được văn bản của Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng đề nghị phối hợp cung cấp các tài liệu liên quan đên vụ việc và đơn vị chấp hành. “Đơn vị tôn trọng và chấp hành các ý kiến của cơ quan bảo vệ pháp luật, còn mọi việc đúng sai ra sao thì đơn vị không có ý kiến”, ông Thiện cho biết. Để làm rõ thêm vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với đại diện BIDV Đắk Lắk và MB Đắk Lắk nhưng chưa nhận được câu trả lời.