Vì sao một số người dân khó khăn do dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh chưa được nhận tiền hỗ trợ?

Thứ Bảy, 23/10/2021, 09:28

Mặc dù triển khai các gói hỗ trợ từ lâu nhưng nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của thành phố. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, từ ngày 15/8 đến ngày 21/10/2021, tổng số túi an sinh của thành phố đã chuyển cho các quận, huyện và TP Thủ Đức là 2.154.694 túi để hỗ trợ người dân khó khăn.

Hiện thành phố đang thực hiện gói hỗ trợ đợt 3 với kinh phí 7.300 tỉ đồng cho khoảng 7,3 triệu người hoàn cảnh thực sự khó khăn do COVID-19. Đến nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã phê duyệt danh sách 6,3 triệu người cần giúp hỗ trợ, đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ người dân.

Đến nay, thành phố mới chi trả cho hơn 5 triệu người, vẫn còn khoảng 1,5 triệu người chưa nhận trợ cấp do nhiều nguyên nhân. Do đó, thành phố kéo dài thời gian hỗ trợ đến 22/10. Hiện có nhiều quận, huyện tạm dừng chi hỗ trợ đợt 3 do hết tiền và đang chờ bổ sung từ thành phố. Anh Đoàn Hoàng Khanh (chạy Grab) và Đoàn Hoành Vinh (buôn bán tại chợ đầu mối Bình Điền) ở trọ số 43 Rạch Cát Bến Lức (khu phố 6, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù tổ trưởng đã lập danh sách từ lâu nhưng đến nay 2 anh vẫn chưa được nhận được đồng hỗ trợ nào.

Còn anh V.N ở trọ tại khu phố 6, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh buôn bán tại chợ đầu mối Bình Điền, do dịch bệnh nên phải nghỉ, gặp nhiều khó khăn nhưng đợt 1 và đợt 2 không được hỗ trợ, mặc dù cũng đã được tổ trưởng ghi danh sách từ lâu. “Ở trọ gặp nhiều khó khăn mà không được hỗ trợ, tôi phải lên mạng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm. Mới đây, tôi mới được hỗ trợ 1 triệu đồng của đợt 3, trong khi tôi nợ tiền trọ 4 tháng, mỗi tháng 1,5 triệu, bây giờ cố gắng làm để trả nợ”, anh N. than vãn.

Còn chị Nguyễn Thị Kiều ở trọ tại khu phố 6, phường 7 (quận 8) cho biết, chị bán vé số nhưng dịch bệnh nghỉ từ lâu, gặp rất nhiều khó khăn, tổ trưởng đã lập danh sách nhưng đợi hoài không thấy hỗ trợ nên chị vẫn phải nợ mấy tháng tiền thuê nhà trọ. Mới đây chị chỉ được lãnh tiền đợt 3 được 1 triệu đồng, còn lần 1 và lần 2 không được lãnh. Chị Kiều cũng thắc mắc là thấy một số người ở trọ gần đấy cả cha mẹ và con đều được lãnh tiền đợt 3 nhưng con của chị không được lãnh (con chị Kiều năm nay học lớp 7, trước dịch cũng tranh thủ phụ mẹ bán vé số).

Tại địa bàn huyện Hóc Môn, nhiều người dân khó khăn phản ánh chưa nhận được hỗ trợ, khi đến hỏi trưởng ấp thì nói đã đưa danh sách lên xã, khi người dân lên xã hỏi thì UBND xã trả lời ấp chưa gửi danh sách lên.

Chị Q.L ở ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn (nghề tự do) cho biết, dãy nhà trọ chị ở có 7 phòng trọ là lao động tự do chưa nhận được tiền. Trong khi có một số người dân ở những dãy trọ khác cũng là lao động tự do đã lãnh tiền, có người lãnh 1 lần, có người được lãnh 2 lần 3 lần.

“Em và một người ở trọ tại đây có tên trong danh sách được nhận hỗ lần 2 phát ngày 28/8, nhưng tổ trưởng đến kêu ký tên chứ không cho nhận tiền và nói dù em có tên cũng không được nhận. Khi em hỏi thì nói một người chỉ được hỗ một lần duy nhất thôi. Còn gạo, mì, nhu yếu phẩm thì chúng em không được nhận, mà chúng em tự kêu gọi hỗ trợ, khi hỏi trên đó lại báo là chúng em nhận đầy đủ hết rồi. Lên ấp hỏi thì nói nhà trọ không thuộc diện chăm lo của ấp nên không có được hỗ trợ nhu yếu phẩm hay thực phẩm gì hết”, chị L. cho biết.

Tại họp báo cung cấp thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21/10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh cho biết, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đợt 3 đươc trên 5,2 triệu người. Trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn do khi mới triển khai chậm, nhất là khi ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ thì bị lỗi nên chậm, sau khi Trung tâm phần mềm Quang Trung khắc phục nay đã ổn.

“Theo báo cáo của 17 quận, huyện đến nay đã hỗ trợ cho người dân trên 80%, các quận, huyện còn lại do đông dân cư và nguồn kinh phí chuyển về địa phương chưa kịp nên còn chậm. Các địa phương cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ theo quy định của thành phố”, ông Lâm cho hay.

Về vấn đề hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức kiểm tra, giám sát và đang tiếp tục kiểm tra công tác hỗ trợ, Sở sẽ công bố cho báo chí trong thời gian tới khi có kết luận.

Về việc hỗ trợ cho người dân, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở LĐ-TB-XH cần phải giám sát chặt chẽ, qua giám sát phải rút ra vấn đề cần uống nắn. Vì quan điểm của thành phố là “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, trong gian nan phải nhanh chóng hỗ trợ cho người dân để đảm bảo cuộc sống.

“Không loại trừ cách làm ở cơ sở thiếu khoa khọc nên làm không đến nơi đến chốn, có thể chưa hỗ trợ kịp thời cho người dân. Có thể lúng túng trong cách làm nên khó tránh khỏi thiếu sót, do đó phải kiểm tra, quán triệt lại để thực hiện tốt”, ông Khuê nhấn mạnh.

Nguyễn Cảnh
.
.
.