Cần thiết phải lập lại trật tự trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội

Vì sao không công khai các điểm trông giữ xe vi phạm? (Bài cuối)

Thứ Tư, 13/03/2024, 08:29

Hơn 800 trường hợp vi phạm hành chính tại các điểm trông giữ xe đã bị xử lý năm 2023. Hai tháng đầu năm 2024 đã có gần 100 trường hợp vi phạm. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì nhiều năm nay, lực lượng chức năng cứ xử lý đi xử lý lại, phạt hành chính nhưng không hề công khai danh sách các điểm trông giữ xe vi phạm để người dân cùng giám sát.

Con số vi phạm ngày một tăng

Thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2024, Sở đã cấp phép cho 41 đơn vị với 217 vị trí với diện tích 41.000m2 để trông giữ xe tạm thời dưới lòng đường. Có 11/30 quận, huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe với khoảng 352 vị trí (tương đương 43.650m2).

anh quet ma trong giu xe.jpeg -0
Điểm trông giữ xe gần Phủ Tây Hồ áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ôtô.

Năm 2021, riêng Thanh tra giao thông Hà Nội đã xử lý hơn 200 trường hợp liên quan đến vi phạm trông giữ xe. Đến năm 2022, số vi phạm mà thanh tra Sở xử lý được đã lên tới con số 680 trường hợp, gấp hơn 3 lần của năm trước. Sang đến năm 2023, con số vi phạm đã lên tới hơn 800 trường hợp. Trong đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) 860 trường hợp, số tiền xử phạt VPHC 3.996.000.000 đồng.

Cụ thể, đã lập biên bản VPHC 237 trường hợp, số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng với các lỗi chiếm dụng trái phép lòng đường để trông giữ phương tiện. Chiếm dụng trái phép lòng đường để trông giữ phương tiện đã lập biên bản VPHC 237 trường hợp, số tiền xử phạt là 1.081.000.000 đồng. Với vi phạm chiếm dụng trái phép hè phố để trông giữ phương tiện đã lập biên bản VPHC 369 trường hợp, số tiền xử phạt là 1.430.000.000 đồng. Tổ chức hoạt động trông giữ phương tiện trái phép đã lập biên bản VPHC 254 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm 1.485.000.000 đồng. Số điểm trông giữ xe vi phạm đang ngày một gia tăng.

Theo ông Nguyễn Hữu Bảo Phó Giám đốc Sở GTVT, một số điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại như: Có trường hợp người dân tự ý chiếm dụng trái phép lòng đường tiếp giáp với vị trí điểm đỗ xe của đơn vị để trông xe thu tiền, không có vé trông giữ xe nhưng khi lực lượng chức năng đến xử lý thì những người này không nhận hoặc không xuất hiện để làm việc với lực lượng kiểm tra; gây khó khăn trong công tác xác minh, xử lý vi phạm. Cá biệt có trường hợp chủ phương tiện không muốn bị ảnh hưởng, mất thời gian nên hợp tác với người vi phạm, nhận là tự đỗ xe, không có người trông giữ.

Mặt khác, địa bàn thành phố có xuất hiện tình trạng khi không có lực lượng chức năng thì các cá nhân tự trông giữ xe trái phép, khi có lực lượng chức năng thì lại không hoạt động. Do vậy, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp (đặc biệt là chính quyền địa phương) để xử lý triệt để tình trạng trên.

Đã xử phạt rồi nên không cần công khai danh sách?!

Khi hỏi đến vấn đề trông xe quá giá, lãnh đạo Sở GTVT cho hay, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và theo quy định, đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực giá thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn (Sở Tài chính) và UBND cấp huyện.

Đối với phương án thu tiền trông xe thông qua việc quét mã để ngăn việc tăng giá, thất thu thuế, Sở GTVT đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố (trong đó việc áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động trông giữ phương tiện nhằm thu đúng, thu đủ).

Thực trạng là thế, song điều kỳ lạ là khi phóng viên đặt vấn đề công khai danh sách các điểm trông giữ xe trái phép, vi phạm nhiều lần trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm công bố, để người dân cùng vào cuộc giám sát thì lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vì sau khi xử phạt người vi phạm đã khắc phục rồi nên không cần công khai danh sách. Nếu tái phạm thì sao? Vị này thẳng thắn trả lời: “Nếu khu vực nào tái phạm lần 2 thì chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép”.

Nói là vậy, nhưng thực tế người dân ai cũng nhìn thấy tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong việc xử lý vi phạm ở các điểm trông giữ xe. Bởi nếu không thế thì sao có tình trạng vi phạm cứ tái diễn không ở nơi này thì ở nơi khác. Một câu hỏi lớn được đặt ra, thực lòng cơ quan chức năng có muốn xử phạt tận gốc hay không thể xử lý triệt để vấn đề này? Nếu nói là khó hay không thể cũng chưa hẳn là đúng. Bởi gần đây, việc  thu phí trông giữ xe tự động, không dùng tiền mặt tại Phủ Tây Hồ là một ví dụ điển hình trong việc cơ quan chức năng có thể minh bạch chuyện này.

Cụ thể, Công an quận Tây Hồ đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) và các đơn vị liên quan triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Việc thu phí tự động tránh giảm thiểu phát sinh về giá tại các bãi trông giữ xe. Đồng thời, các cửa hàng kinh doanh tại tuyến phố phía ngoài Phủ Tây Hồ đều niêm yết giá công khai, triển khai lập tài khoản thanh toán, mã QR thanh toán kèm theo và in thống nhất mẫu logo nhận diện thanh toán không dùng tiền mặt của từng cửa hàng kinh doanh.

Hiện, Phủ Tây Hồ có 4 bãi trông giữ phương tiện, trong đó có 3 bãi trông giữ xe ôtô (1 điểm khép kín có camera cùng máy VETC và 2 bãi ôtô mở). Trước khi áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ôtô, các đơn vị chức năng trông giữ xe nơi đây đã được đào tạo triển khai thực hiện Đề án 06. Ngoài ra, các tổ công tác của Công an quận Tây Hồ hỗ trợ, hướng dẫn để thực hiện nhanh chóng, tránh ùn tắc tại các bãi trông giữ xe… Đối với xe ôtô đã dán thẻ VETC sẽ thanh toán tự động qua ví VETC. Với xe ôtô đã dán thẻ Epass sẽ thanh toán qua tài khoản ngân hàng (mã QR động). Với xe ôtô chưa dán thẻ sẽ hỗ trợ dán thẻ VETC cho khách để thanh toán. Với xe máy tiến hành thu phí qua tài khoản ngân hàng (mã QR). Giá vé được niêm yết công khai tại bãi xe. Với việc triển khai hình thức này, người dân hoàn toàn yên tâm về giá không bị phát sinh.

Trông giữ xe trái phép ở vỉa hè bị xử phạt như thế nào?

Quy định xử phạt hành vi trông giữ xe trái phép ở lòng đường, vỉa hè được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ) như sau: Điểm c, điểm d, khoản 5 Điều 12 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe; d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

Điểm g, điểm i khoản 6 Điều 12 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 5 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe; i) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe. Khoản 7 Điều 12 quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe. Điểm a khoản 8 Điều 12 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

Đặng Nhật
.
.
.