Vì sao Dự án Nhà máy điện phân nhôm hơn 12.000 tỷ sau gần 10 năm vẫn “đắp chiếu”?

Thứ Ba, 20/08/2024, 07:10

Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2014, Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt quan trọng cho ngành nhôm và công nghiệp phụ trợ trong nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, nhà máy vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Ngày 4/9/2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tại Khu công nghiệp Nhân Cơ. Đây là nhà máy sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt quan trọng cho ngành nhôm và công nghiệp phụ trợ trong nước, hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới.

du an 1.jpg -0
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông sau gần 10 năm thi công nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được đầu tư, xây dựng với số vốn hơn 12.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế 450.000 tấn nhôm/năm với nhu cầu Alumina khoảng 900.000 tấn/năm. Khi đi vào sản xuất, dự án bao tiêu toàn bộ sản lượng Alumin của Nhà máy Alumina Nhân Cơ (630.000 tấn/năm) và một phần sản lượng của Nhà máy Alumina Tân Rai, Lâm Đồng (270.000 tấn/năm), đồng thời cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm phải nhập khẩu hiện nay.

Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đóng góp cho GDP tỉnh Đắk Nông khoảng 900 triệu USD/năm, nộp ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 70 triệu USD/năm, thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp.

Theo dự kiến, thời gian hoàn thành đưa dự án vào khai thác là vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm khởi công xây dựng, dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác bởi vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cũng như hàng loạt nguyên nhân khách quan khác.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, một trong những yếu tố khiến dự án điện nhôm này chưa thể triển khai là cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ chưa được hoàn thiện thời gian qua. “Đến nay, dự án đã hoàn thiện xong phần xây dựng các hạng mục và hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đã đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2020, tại Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ bị sạt trượt nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Bên cạnh đó, dự án được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Quyết định 822/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều thông tin trái chiều, chưa rõ ràng về chính sách của dự án, gây bất lợi cho nhà đầu tư, cần có những kết luận của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ”.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương cho tỉnh xây dựng chính sách miễn tiền sử dụng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ (trong hàng rào Khu công nghiệp), trong thời gian được giao và cho thuê đất đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm; Thống nhất chỉ đạo thực hiện về cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án theo Quyết định số 822 của Thủ tướng Chính phủ…“Tỉnh cũng nóng ruột, lo lắng cho dự án này. Bởi đây là dự án được kỳ vọng cho bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nền công nghiệp điện nhôm của tỉnh. Tỉnh đang xúc tiến, làm thủ tục, nếu được Trung ương thông qua sẽ thực hiện gia hạn giấy phép đầu tư”, ông Chiến nói.

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân cho biết, việc dự án chậm tiến độ là do tỉnh Đắk Nông chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng theo cam kết. Địa phương không có đủ nguồn vốn nên xin lên trên, tuy Chính phủ đồng ý nhưng cấp chậm nên việc xây dựng hạ tầng bị chậm. “Trách nhiệm của tỉnh và Trung ương là xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhưng tới giờ có gì đâu, đường sá không, thoát nước không. Cơ sở hạ tầng như thế làm sao chúng tôi lắp đặt thiết bị mà chạy được”, ông Quân cho hay.

Cũng theo ông Quân, đến nay, tất cả các công việc cần thiết để triển khai gói thầu lắp đặt thiết bị đưa nhà máy vào vận hành đã hoàn tất. Chủ đầu tư thu xếp đủ nguồn vốn vay, ký hợp đồng EPC với tổng thầu nước ngoài. Dự án được Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt TP Hà Nội cam kết tài trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án sau thời gian dài chờ đợi đã được Chính phủ tháo gỡ. Tổng thầu EPC và chủ đầu tư đã thống nhất về tiến độ thực hiện dự án.

Tính đến tháng 7/2024, giá trị đầu tư của Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông thực hiện được khoảng 2.100 tỷ đồng. Trong đó, dự án đã hoàn thành xây dựng khu văn phòng - nhà ở và hoàn thành phần xây dựng nhà xưởng, với diện tích 15.000m². Xưởng điện phân nhôm là hạng mục chính của dự án, đến nay đã hoàn thành phân kỳ 1 và một dây của phân kỳ 2. Xưởng điện đã sẵn sàng bàn giao cho nhà thầu triển khai công tác lắp đặt máy móc, thiết bị.

“Bên cạnh đó, để dự án tiếp tục được triển khai, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan là rất cần thiết. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng giải ngân cho gói thầu EPC lắp đặt thiết bị. Chủ đầu tư mong muốn sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý nêu trên, giúp thuận lợi trong việc giải ngân cho dự án ngay từ tháng 8/2024. Tỉnh sớm hoàn thiện việc xây dựng, bàn giao các hạng mục thiết yếu về hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ, phục vụ cho dự án theo đúng tiến độ”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, từ đầu năm 2024 đến nay, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đã nộp hơn 31 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại. Dự án đã giải quyết việc làm cho 123 lao động, với mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng.

Văn Thành
.
.
.