Vì sao đồ án quy hoạch phân khu Ga Hà Nội 10 năm không xong?
Giữa tháng 1/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội tổ chức “Hội nghị phổ biến nội dung “Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, thành phố đã hoàn thành phê duyệt 35/35 đồ án quy hoạch phân khu, tỷ lệ đạt 100%.
Tuy nhiên, thời điểm này, đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận sau 10 năm có quyết định thực hiện nhưng vẫn chưa xong. Việc chậm trễ này đang gây hệ lụy không nhỏ cho doanh nghiệp và người dân sinh sống trong khu vực chờ quy hoạch…
Ngày 12/6/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký quyết định số 3140/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 thuộc địa giới hành chính các quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Theo quyết định này, thời gian lập quy hoạch phân khu là không quá 9 tháng và phù hợp với yêu cầu về kế hoạch, tiến độ của thành phố.
Gần 2 năm sau, tháng 4/2016, Sở QH-KT Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản).
Đầu năm 2017, tư vấn Nikken Sekkei Civil đã hoàn thiện đồ án để báo cáo thành phố. Theo đó, Phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận nằm trong địa giới 8 phường thuộc 4 quận: Điện Biên (quận Ba Đình); Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên (quận Đống Đa). Giới hạn quy hoạch: phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học; phía Nam: phố Khâm Thiên, đường quy hoạch; phía Đông: đường Lê Duẩn và các phố Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu; phía Tây: phố Tôn Đức Thắng…
Theo đơn vị tư vấn, mục tiêu của đồ án nhằm tạo thành đô thị thân thiện với môi trường, hướng tới giảm tác động phát triển đô thị tới môi trường và cải thiện môi trường đô thị. Quy hoạch cải tạo khu nhà ở mật độ cao hiện hữu, bảo đảm môi trường sống tốt cho dân cư, nâng cao giá trị của các di tích và quần thể di tích kiến trúc hiện có...
Ngày 10/2/2017, tại cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc hoàn thiện đồ án này, sau khi nghe đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hướng dẫn đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện đồ án, thực hiện quy trình tiếp theo (trong đó có lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hội nghề nghiệp; xin ý kiến Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan…); thẩm định, trình phê duyệt theo quy định…
Tuy nhiên, việc triển khai tiếp theo rất chậm. Tháng 10/2021, sau 4 năm đồ án không được phê duyệt thì xuất hiện tình huống mới là quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt làm thay đổi định hướng khu vực Ga Hà Nội. Điều này đã buộc Hà Nội phải điều chỉnh lại nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận.
Tháng 4/2022, sau cuộc họp với các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu Sở QH-KT chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch. Theo đó, ranh giới quy hoạch nên thu hẹp. Nghiên cứu định hướng chức năng khu vực Ga Hà Nội trở thành Trung tâm văn hoá, dịch vụ thương mại, du lịch tổng hợp… hình thành trung tâm dịch vụ, văn hoá, thương mại, du lịch tổng hợp, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp có giá trị kiến trúc trước năm 1954…
Hơn 1 năm sau, tháng 7/2023, Sở QH-KT có Văn bản số 3507 đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu Ga Hà Nội. Theo đó, điều chỉnh thu hẹp phạm vi ranh giới, diện tích lập quy hoạch với tổng diện tích 92ha. Quy mô dân số trong phạm vi lập quy hoạch khoảng 24.537 người, gồm 20.000 người thuộc phạm vi lập quy hoạch phân khu và 4.537 người thuộc Khu tập thể Văn Chương...
Ngày 16/8/2023, tại Thông báo số 9342, UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đồng ý với những đề xuất trên, giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi phí lập quy hoạch bằng nguồn vốn chi thường xuyên, thu hồi tiền tạm ứng, nộp trả ngân sách theo quy định…
Vậy là cho tới thời điểm này, sau đúng 10 năm kể từ khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tới thời điểm này, đồ án vẫn dang dở và tiếp tục triển khai.
Theo quy định của pháp luật, đồ án quy hoạch phân khu bao gồm việc xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố; bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị; đánh giá môi trường chiến lược. Đồ án quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. Vì vậy, do đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận chưa hoàn thành đang gây khó khăn trực tiếp tới việc xây dựng và chỉnh trang đô thị; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đặc biệt là tác động tới đời sống của hơn 20.000 người dân tại 8 phường thuộc 4 quận nằm trong vùng quy hoạch.
Câu hỏi đặt ra là để một đồ án quan trọng như vậy kéo dài suốt thời gian qua thì trách nhiệm thuộc về ai, đầu tháng 3/2024, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với UBND TP Hà Nội để đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp phụ trách lĩnh vực quy hoạch. Sau 3 tuần đặt lịch và nội dung làm việc, ngày 20/3/2024, chúng tôi mới nhận được phản hồi của UBND TP Hà Nội về việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao cho Sở QH-KT nghiên cứu, cung cấp thông tin cho Báo CAND.
Chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện hy hữu này khi nhận được phản hồi từ Sở QH-KT Hà Nội