Vì sao dân khát bên nhà máy nước sạch hơn 200 tỷ đồng?

Thứ Ba, 17/01/2023, 08:36

Dự án Nhà máy nước sạch có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, cung cấp nước sạch phục vụ cho 15.000 hộ dân, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên, đã quá thời gian nói trên, dự án vẫn đang ngổn ngang, trong khi người dân trên địa bàn “khát”nước sạch.

Dự án Nhà máy nước Hương Khê (Hà Tĩnh) được đặt tại khu vực đầu nguồn nước Sông Tiêm thuộc địa bàn xã Phú Gia. Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng và nguồn đóng góp từ các đối tượng hưởng lợi từ dự án.

Vì sao dân khát bên nhà máy nước sạch hơn 200 tỷ đồng? -0
Nhà máy dự án nước sạch Hương Khê ngổn ngang sau gần 3 năm thi công.

Ngày 9/5/2016, dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1092/QĐ-UBND; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và tổng dự toán tại Quyết định số 649/QĐ-UBND ngày 1/3/2019, với tổng mức đầu tư trên 229 tỷ đồng.

Nhà máy có công suất 9.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1) và tăng lên 13.700m3/ngày đêm vào giai đoạn 2, cấp nước sạch cho các đối tượng dùng nước thuộc thị trấn và 8 xã vùng phụ cận thuộc huyện Hương Khê. Đây là những vùng thường xuyên thiếu nước và ô nhiễm nghiêm trọng xăng, dầu, thuốc trừ sâu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và nguồn nước nhiễm phèn, đá vôi.

Hệ thống đầu mối gồm một trạm bơm cấp 1, một trạm bơm cấp 2 và một trạm xử lý. Hệ thống tuyến đường ống cấp nước dài trên 210km, gồm có 33 km tuyến đường ống mạng cấp 1; 70km tuyến đường ống cấp nước mạng cấp 2 và 107km tuyến đường ống cấp nước mạng cấp 3. Theo tính toán, đến năm 2020 sẽ cấp nước cho 52.951 nhân khẩu và đến năm 2030 sẽ tăng lên 57.516 nhân khẩu.

Dự án được khởi công vào ngày 23/2/2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2022. Đơn vị thi công dự án là liên danh Công ty TNHH Khánh Môn (trụ sở tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) và Công ty CP Hà Huy, trụ sở tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Hương Khê cho biết, theo kế hoạch thì đến ngày 31/12/2022 sẽ vận hành, chạy thử. Tuy nhiên, dự án mới chỉ hoàn thành được khoảng 90% khối lượng công trình. Đến nay, dự án còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, trong đó có khoảng 20km đường ống chưa lắp đặt xong. Khó khăn, vướng mắc dẫn đến dự án chậm tiến độ, ngoài việc thời tiết không thuận lợi, theo chủ đầu tư thì do một số thiết bị nhập ngoại gặp trục trặc.

Cùng với đó là việc thi công đường ống từ nhà máy vào khu vực thị trấn Hương Khê và vùng phụ cận vắt qua đường mòn Hồ Chí Minh nên quá trình thi công phải xin ý kiến của Cục Đường bộ (Bộ GTVT). Do vướng mắc về thủ tục dẫn đến chậm triển khai việc thi công, đấu nối.

Tuy nhiên, khi phóng viên viện dẫn, đến ngày 6/1/2023, tại địa bàn không liên quan đến thủ tục đấu nối qua đường bộ do Cục Đường bộ quản lý là xã Hương Long, việc thi công đường ống vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thành khi có hàng trăm mét đường ống đang được tập kết ngổn ngang bên đường, thì đại diện chủ đầu tư lại chống chế, cho rằng vị trí này chỉ còn 350m ngay sát chân nhà máy, đang gấp rút thi công để hoàn thành.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, có phát sinh khi theo khảo sát đầu tư ban đầu thì dự án chỉ cấp nước cho thị trấn Hương Khê và 8 xã Phú Gia, Hương Bình, Hương Long, Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Trà và xã Lộc Yên. Trong khi đó, xã Hương Vĩnh nằm ngay dưới chân nhà máy nước lại không được hưởng lợi dự án.

Ông Trần Văn Thị, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh cho biết thêm, nếu tính khoảng cách địa lý thì từ chân mà máy nước đến trung tâm UBND xã Hương Vĩnh là gần nhất so với các địa phương được hưởng lợi khác, trong khi từ trước đến nay, gần 1.300 hộ dân trên địa bàn phải dùng nước giếng đào, thường xuyên bị nhiễm phèn, mùa khô thiếu nước trầm trọng. Do vậy, từ khi có thông tin về triển khai dự án, chính quyền và nhân dân xã Hương Vĩnh đã rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất được đưa xã Hương Vĩnh vào diện hưởng lợi của dự án nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư là UBND huyện Hương Khê cho biết, quá trình triển khai dự án, không chỉ nhân dân xã Hương Vĩnh mà xã Hương Thủy cũng đề xuất được sử dụng nước sạch từ dự án. Nguyên nhân là trước đây, xã Hương Vĩnh nằm trong quy hoạch cấp nước nhỏ lẻ từ các hồ, đập trên địa bàn; trong khi xã Hương Thủy đưa vào đường ống cấp nước chung với xã Hương Giang.

Trước kiến nghị chính đáng của nhân dân, huyện đã khảo sát và lấy ý kiến dân cư các xã nói trên, kết quả có 80% dân cư xã Hương Vĩnh và trên 70% người dân xã Hương Thủy có nguyện vọng được sử dụng nước sạch được cấp từ Nhà máy nước sạch Hương Khê. Trên cơ sở này, UBND huyện Hương Khê đã đề xuất, xin bổ sung thêm kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp quy mô dự án.

Về tiến độ, chủ đầu tư xác nhận, tính đến thời điểm này, Nhà máy Nước sạch Hương Khê đang chậm so với yêu cầu đề ra và hiện đơn vị thi công đang xin gia hạn thời gian thực hiện, cam kết đến tháng 4/2023 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc gia hạn này đến ngày 15/1/2023, chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

Thiên Thảo
.
.
.