Nghịch lý công viên bỏ hoang

Ưu tiên “hồi sinh” các công viên, vườn hoa ở Hà Nội (Bài 2)

Thứ Tư, 17/04/2024, 08:10

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra vào giữa tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong năm 2023, TP sẽ làm sống lại các công viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có hàng loạt công viên chậm tiến độ.

Một trong những khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như Hà Nội chưa có nhiều chính sách thu hút nguồn lực xã hội hoá để phát triển công viên, vườn hoa.

Cân nhắc xây dựng “công viên mở”

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, TP sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. “Mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi chứ không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Để hồi sinh các công viên trong nội thành, tháng 10/2023, HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2023 – 2026 với gần 900 tỷ đồng cho ba công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026. Trong số này, Hà Nội dành hơn 408 tỉ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất; gần 330 tỉ đồng cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỉ đồng cải tạo Công viên Bách Thảo.

Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả của công viên Thống Nhất, Hà Nội dự kiến phá bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh để vận hành theo hình thức công viên mở. Sau khi toàn bộ rào được phá bỏ, TP sẽ lắp hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng, đồng thời tăng cường các biện pháp để đảm bảo an ninh, trật tự. Ngoài ra, tại công viên này còn được đầu tư thêm một số hạng mục như chòi nghỉ chân.

Với công viên Thủ Lệ và Bách Thảo, theo kế hoạch, chính quyền Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp. Do đây là 2 công viên có tính đặc thù nên Hà Nội đang cân nhắc các phương án xây dựng "công viên mở", vừa đảm bảo an toàn, vừa hài hòa với cảnh quan khu vực.

z5343473242093_2c32e4378eb009776c1fc6bb3c356cc5.jpg -0
Công viên hồ Phùng Khoang (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm) bỏ hoang do còn hơn 2.000m2 chưa giải phóng được mặt bằng.

Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, quận đang gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chỉnh trang, nâng cấp, đầu tư xây dựng các công viên trên địa bàn, trong đó có việc chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác quản lý, duy trì tại Công viên Thống Nhất năm 2024.

Theo ông Trung, UBND TP và các sở, ngành cũng chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện đặt hàng duy trì công viên 3 tháng đầu năm và UBND quận tổ chức công tác quản lý, duy trì công viên thời gian 9 tháng cuối năm theo đề xuất của các sở để làm cơ sở triển khai thực hiện. Về dự án cải tạo, nâng cấp Công viên này, UBND quận cũng chưa được UBND TP giao làm chủ đầu tư để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND TP sớm bố trí vốn và có ý kiến chỉ đạo về thời gian UBND quận thực hiện công tác duy trì Công viên Thống Nhất năm 2024, bảo đảm các hoạt động tại công viên được liên tục, không ngắt quãng. Đồng thời, đề nghị UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP bàn giao UBND quận Hai Bà Trung hồ sơ dự án, làm cơ sở để nghiên cứu triển khai các bước tiếp theo.

Một trong những vướng mắc mà các quận, huyện nêu ra trong việc chậm tiến độ cải tạo các công viên, đó là khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Như tại quận Cầu Giấy, đối với Công viên Tây Nam Hà Nội có diện tích 11,2ha, công tác GPMB chia làm 2 giai đoạn, hiện còn một nghĩa trang 5.000 ngôi mộ trong quy hoạch; chủ đầu tư đang xin ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi hoàn thành cải tạo các công viên, vườn hoa, quận đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng như triển lãm điêu khắc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, ca nhạc…

Ngoài ra, quận Cầu Giấy chủ động đầu tư xây dựng các vườn hoa theo quy hoạch phân khu H1-2 được duyệt; đã hoàn thành 13 vườn hoa nhỏ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 8 vườn hoa trong các năm 2024-2025.

Bí thư Quận uỷ Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, tháng 2/2024, UBND quận Hà Đông đã tiếp nhận tạm từ chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường để mở cửa 2 công viên, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2024 phục vụ  người dân (Công viên Cây đàn trên địa bàn phường Yên Nghĩa và Công viên Thiên văn học trên địa bàn phường Dương Nội).

Về công tác cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, năm 2023, UBND quận Hà Đông đã phê duyệt 4 dự án trên địa bàn 3 phường Yết Kiêu, Văn Quán, La Khê với giá trị 33,122 tỷ đồng. Hiện đã khởi công 2 dự án với giá trị 15,482 tỷ đồng (Dự án Cải tạo nâng cấp công viên Nguyễn Trãi, phường Văn Quán và Dự án Cải tạo, nâng cấp vườn hoa Hà Đông, phường Yết Kiêu). Hai dự án cải tạo khu cây xanh tại phường La Khê với tổng giá trị 17,64 tỷ đồng hiện đang bước lựa chọn đơn vị thi công, dự kiến khởi công trong quý II/2024.

Về công tác đầu tư xây dựng mới, dự án đầu tư xây dựng mới Công viên Văn hoá - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, ngày 6/11/2023 UBND TP đã ban hành Quyết định số 5628/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hoá - vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, tỷ lệ 1/500. HĐND quận đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 21/12/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay UBND quận đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.

Cần tổng kiểm tra, rà soát lại công viên

Trước tình trạng hàng loạt công viên, vườn hoa “đắp chiếu”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khẳng định, “hồi sinh” các công viên, vườn hoa ở Hà Nội là việc phải ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Ông Nghiêm cho biết, từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có tới 7 lần lập quy hoạch chung và đều đề cập đến hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa. Sau năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội mở rộng, đến năm 2014 đã lập hẳn một quy hoạch chuyên ngành về công viên cây xanh. Khi đó, các chuyên gia đã vào cuộc vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng.

“Một trong những mục tiêu của Hà Nội là phát triển xanh, văn minh, hiện đại. Không gian xanh là một chỉ tiêu quan trọng để xác định vị thế của Hà Nội, minh chứng quá trình phát triển và đặc điểm vị trí địa lý của TP. Nhưng thực tế thì chỉ tiêu về cây xanh của Hà Nội đến nay vẫn còn rất thấp. Nhiều công viên, vườn hoa chưa tạo thuận lợi, hoặc ít sức thu hút người dân. Hà Nội cũng có nhiều công viên chuyên đề, công viên sinh thái, công viên văn hóa… nhưng nhiều năm vẫn không được phát huy hiệu quả, không triển khai hoặc có triển khai nhưng không khai thác được, lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên văn hóa”, ông Nghiêm chia sẻ.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, công viên, vườn hoa là vấn đề được TP quan tâm, được khung pháp lý quy định, có quy hoạch bài bản. Thế nhưng từ các quy định, kế hoạch đến tổ chức thực hiện còn có những khoảng cách; thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên trong phát triển đô thị. Một vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận lúc này là TP có thật sự quyết tâm giải quyết triệt để, đồng bộ vấn đề quản lý, tôn trọng quy hoạch, phát huy hiệu quả hệ thống công viên, hay chỉ đơn thuần cần những không gian xanh để nâng chất lượng sống cho người dân trước mắt.

Khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa cũng là một vấn đề theo ông Nghiêm là nan giải. Nhiều năm qua Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào các dự án công viên. Những tồn tại hiện nay cũng cho thấy, công tác quản lý các công viên chưa có sự giám sát ổn định cho nên vẫn chưa có được sự vận hành, phát huy một cách phù hợp.

Ông  Nghiêm cũng chỉ rõ, sự quan tâm của Hà Nội để phát triển hệ thống công viên còn rất thiếu tính đồng bộ, thiếu nguồn lực nên thực tế nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nhức nhối: “Công viên, vườn hoa chính là biểu tượng của văn hóa, nhiều nơi gắn với các sự kiện lịch sử đặc biệt, là dấu ấn của Thủ đô. Nhưng đáng buồn là những câu chuyện diễn ra ở công viên Hà Nội không cho người dân cảm nhận về những điều đó. Thậm chí, các công trình kiến trúc nhỏ, khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi cũng không được khai thác đúng mức. Trong Công viên Thống Nhất, khu vực có ý nghĩa thiêng liêng là nơi Bác Hồ trồng cây không được phát huy hiệu quả, thậm chí rất ít người dân biết khu vực này.

Hầu hết các tượng đài, vườn hoa ở các quận nội thành cũng không được khai thác yếu tố văn hóa. Cuộc sống bức bối, người dân không được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, các công viên thì ghế đá xập xệ, hàng quán, tư nhân chiếm dụng. Một số công viên mang yếu tố đặc trưng chưa được quan tâm, đầu tư. Những công viên mang tính hữu nghị như Indira Gandhi cũng chưa làm được. Công viên Bách Thảo cây cối chết nhiều, Công viên Thủ Lệ đã tạo ra một khu vườn thú riêng để bảo tồn nhưng lại chưa triển khai, hệ thống hạ tầng thì xuống cấp ngày càng trầm trọng…”.

Nguyên KTS trưởng Hà Nội góp ý, cần phải có một cuộc tổng kiểm tra rà soát lại hệ thống công viên. Kể cả Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng phải rà soát lại để đánh giá hiện trạng thế nào, thực hiện quy hoạch đến đâu và giải pháp gì để cải thiện tình hình. Việc quản lý, vận hành các công viên cũng cần thay đổi, không thể mãi kéo dài tình trạng các công viên trong nội thành đua nhau xuống cấp; công viên mới xây dựng hoặc bị “treo”, hoặc không mở cửa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, cần đề xuất chính sách đặc thù riêng về công viên nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các không gian xanh.

“Tôi cho rằng rất cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống công viên của Hà Nội để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp. Ở nhiều nước, công viên là “tài sản chung”, được giao cho cộng đồng quản lý. Moskva (Nga), Ba Lan hay nhiều quốc gia khác, nhà nước muốn xây dựng tượng đài ở công viên cũng phải hỏi ý kiến người dân. Chúng ta cũng cần học hỏi điều này. Muốn “hồi sinh” công viên thì phải có nguồn lực, có người thực hiện, chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có khung pháp lý hoặc dự án trên giấy”, ông Nghiêm góp ý.

Phan Hoạt - Ngọc Yến
.
.
.