Truy tìm đối tượng khai thác gỗ trái phép tại rừng phòng hộ Vân Canh

Thứ Tư, 29/03/2023, 07:31

Liên quan đến việc nhiều cây gỗ lớn ở khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) thuộc chức năng rừng phòng hộ bị chặt phá mà lực lượng chức năng chậm phát hiện, xử lý (Báo CAND đã thông tin ban đầu), ngày 28/3, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, lực lượng chức năng đang truy xét, làm rõ vụ việc này.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Canh, sau Tết Nguyên đán 2023, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện có một vài cây gỗ bị chặt hạ, đường kính 15cm - 35cm. Khi phát hiện, Trạm Quản lý Bảo vệ rừng (QLBVR) Làng Cam, đóng tại xã Canh Liên đã có báo về Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Vân Canh. Sau đó, Ban này đã điện thoại trình báo UBND huyện về vụ việc một số cây gỗ bị chặt hạ.

1 rung.jpg -0
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc.

Đến ngày 17/3, BQL rừng phòng hộ báo cáo lên mới xác định số lượng cây bị chặt khoảng tầm 10 cây, so với khi Ban quản lý rừng phát hiện và báo lại vài cây. Trong đó, cây có đường kính nhỏ nhất khoảng 15cm, cây lớn nhất khoảng 50cm.

Khu vực rừng bị chặt hạ này nằm trên diện tích của hộ dân Đoàn Văn B. (thôn Canh Tiến, xã Canh Liên) đang nhận khoán bảo vệ rừng. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh tiếp tục điều tra làm rõ; làm việc với chủ hộ giao khoán rừng để làm rõ trách nhiệm của hộ nhận khoán trong quá trình đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng để người vào chặt hạ một số cây.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết, qua trao đổi lực lượng bảo vệ rừng thì thực ra số cây này không phải “lâm tặc” đưa ra khỏi ngoài rừng, khỏi địa phương. Mà cơ bản, là bà con ở làng Cam gần đấy, tập tục khi có đám tang làm nhà mồ trùm phủ lên trên, người ta vào lấy. “Có hộ vào xin nhưng anh em không cho, có hộ người ta vào rừng chặt, làm. Huyện cũng chỉ đạo việc đó phải hết sức rút kinh nghiệm. Bây giờ việc vào phá rừng cho rằng cây nhỏ cây to gì thì cũng là phá rừng, phải xác định là như thế. Và không có một trường hợp đặc biệt nào gọi là làm việc này, việc nọ theo tập tục cả. Tập tục phải có đơn, phải có câu chuyện đồng ý”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, khi hỏi có dấu vết, chứng cứ để xác định người dân vào, thì ông Cường cho biết: “Anh em báo cáo xem xét đối tượng ban đầu như thế, chứ thực ra chưa xác định được có phải dân ở đó họ chặt hạ một vài cây trộm để làm nhà mồ hay không. Giờ anh em bắt đầu điều tra, một là điều tra hộ nhận khoán, rồi điều tra đến làng coi thử dân làng sao, những hộ mới làm mả, làm mồ xem của ai, xem thử lấy gỗ ở đâu. Bây giờ đang chỉ đạo quyết liệt làm theo hướng khoanh vùng, các lực lượng vào khám nghiệm hiện trường, làm các nhiệm vụ xác định thiệt hại”.

Còn về việc tại khu vực rừng bị phá, có Trạm QLBVR gần đó, chỉ có một con đường để vào rừng thì ông Cường cho rằng chỉ có một con đường vào rừng nhưng đó chỉ là con đường lớn. Ngoài ra, còn có rất nhiều con đường mòn, đường dân sinh tại khu vực này. Ranh giới rừng không có hàng rào nên người vào rừng không phải đi con đường độc đạo. Lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, chỉ có 4 người, trong khi đó diện tích rừng thì tương đối quá lớn, khoảng 1.000ha. Cây đường kính không lớn nên việc vận chuyển rất dễ dàng.

“UBND huyện chỉ đạo phải làm cho rõ vấn đề số cây đó, phải tìm cho ra những hộ nào chặt để làm những việc đó. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo giao cho Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, VKS, Công an và một số ngành chức năng vào khám hiện trường để xem cây đó như thế nào có kết quả báo cáo. Nếu giả sử như rơi vào trường hợp vi phạm pháp luật thì phải đưa tin báo tội phạm, tiếp tục điều tra. Hiện nay lực lượng này đã đi làm việc đó rồi, đang chờ kết quả để xử lý”, ông Cường cho hay.

Diễm Phúc
.
.
.