Tràn lan khai thác vàng lậu ở Lâm Đồng

Thứ Năm, 13/01/2022, 10:29

Hoạt động khai thác quặng vàng trái pháp luật tại các xã Đà Loan và Đạ Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn đang xảy ra ngang nhiên, công khai ngay trong khu dân cư dọc theo các dòng suối, bất chấp sự phản ứng của người dân địa phương.

Từng nghe nhiều người bức xúc phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái pháp luật tại xã Đà Loan và Đạ Quyn, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, thất thoát khoáng sản kim loại quý của nhà nước nhưng khi tới các địa phương này, PV Báo CAND nhờ người chỉ đường để tới các mỏ đang khai thác quặng vàng thì chỉ nhận được cái lắc đầu thoái thác.

Hầu hết mọi người đều trả lời không biết, hoặc không dám chỉ dẫn đường vì sợ bị các đối tượng có quyền lợi ở các khu mỏ trả thù. Theo người dân địa phương, đứng sau các mỏ khai thác quặng vàng trái pháp luật trong vùng là những thế lực “có máu mặt” và quan hệ rất rộng. Đó là chưa kể những người tham gia khai thác quặng vàng nơi đây hầu hết có tính cách liều lĩnh, dân tứ xứ.

khaithacvang_2-1642042932159.jpg
Tràn lan các điểm khai thác vàng trái pháp luật tại xã Đạ Loan, huyện Đức Trọng.

Khác hẳn với những gì trước đó chúng tôi mường tượng, hoạt động khai thác vàng phải xảy ra ở nơi rừng núi, địa hình hiểm trở và cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, thực tế những khu mỏ khai thác quặng vàng trái pháp luật với quy mô lớn nơi đây được PV Báo CAND phát hiện lại lộ thiên ngay khu vực trung tâm xã Đà Loan, dọc theo lòng suối Đạ Quyn, chảy qua các thôn Đà Giang, Đà Thuận và Đà Thành. Để tiếp cận được những khu mỏ đang rầm rộ khai thác quặng vàng với sự hỗ trợ đắc lực của các loại máy móc, xe cơ giới hiện đại mà không bị các đối tượng phát hiện, nhóm PV buộc phải sử dụng Flycam bay trên cao để tiếp cận hiện trường.

Tràn lan khai thác vàng lậu ở Lâm Đồng -0
Tràn lan khai thác vàng lậu ở Lâm Đồng -1
Điểm khai thác vàng trái pháp luật.

Điểm khai thác quặng vàng thứ nhất nằm ngay sau cây xăng Phương Nam, thuộc thôn Đà Giang, xã Đà Loan. Vị trí này cách trục đường chính liên xã chưa tới 100m, nằm ngay trên suối Đạ Quyn, dọc hai bên là khu dân cư đông đúc. Thời điểm PV Báo CAND tiếp cận hiện trường, khu mỏ trên vẫn đang tấp nập hoạt động với sự hỗ trợ của nhiều máy móc cơ giới. Đây là khu mỏ mới được “mở cửa” khai thác khoảng 5 tháng nay. Tổng diện tích bị tác động, làm thay đổi hiện trạng địa hình khoảng trên 1ha. Tại khu mỏ này đang có 2 máy múc đào bóc lớp đất trên bề mặt với độ dày khoảng 5m. Sau khi bóc hết lớp đất này sẽ tới lớp đất đen trộn lẫn nhiều loại cát sỏi. Đây là lớp có chứa nhiều quặng vàng nhất.

Để tuyển được quặng vàng ra khỏi đất đá, những người khai thác với sự hỗ trợ của các loại máy móc hiện đại bơm trực tiếp lớp cát sỏi màu đen lên bàn sàng để đãi. Lớp cuối cùng đọng lại trên các máng đãi chính là quặng vàng và các loại tạp chất khác. Để tách vàng ra khỏi các loại tạp chất này, những người “làm nghề” sau đó phải sử dụng tới thủy ngân hoặc các chất hóa học có tác dụng tương tự bất chấp những nguy hiểm với sức khỏe và môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, khu mỏ được cho là có quy mô lớn nhất trong vùng đang được “mở cửa” khai thác rầm rộ nhất lại ở Đà Thuận, xã Đà Loan. Vị trí này cách điểm khai thác quặng vàng tại thôn Đà Giang khoảng 1km, cũng ngay trên suối Đạ Quyn. Thời điểm PV Báo CAND tiếp cận hiện trường, khu mỏ trên đang có 3 xe máy múc lớn hoạt động, hối hả đào bóc lớp đất bề mặt với bề dày khoảng 8m. Theo người dân địa phương, khu mỏ mới được các đối tượng đưa phương tiện tới đào bóc lớp đất bề mặt để chuẩn bị cho việc khai thác quặng vàng với quy mô lớn. Tổng diện tích đang bị tác động, đào bới tại khu vực này đã lan rộng ra khoảng 1km, ăn sâu vào vườn cà phê và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại đây, lớp đất bề mặt được bóc đi, chở lấp xuống các hố sâu đã khai thác xong. Công việc đào bóc lớp đất bề mặt hoàn tất cũng là lúc làm lộ lên lớp đất trộn lẫn cát sỏi màu đen có chứa nhiều quặng vàng.

Tràn lan khai thác vàng lậu ở Lâm Đồng -0
Tràn lan khai thác vàng lậu ở Lâm Đồng -1
Điểm khai thác vàng lậu.

Ở giữa hai khu mỏ dọc suối Đạ Quyn đang được các đối tượng tập trung người và xe cơ giới để khai thác quặng vàng là một khu vực rộng nhiều hecta, thuộc thôn Đà Giang, xã Đà Loan đã được hoàn nguyên sau khi khai thác. Theo tìm hiểu của PV, khai thác quặng vàng xong, các đối tượng đã hoàn nguyên khu vực này theo một giấy phép san lấp mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, được cơ quan chức năng cấp phép.

Hoạt động khai thác quặng vàng gốc trái pháp luật tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng đã xảy ra trong thời gian dài. Hậu quả của hành vi này là gây thay đổi dòng chảy suối Đạ Quyn, ô nhiễm nguồn nước, làm thay đổi, biến dạng địa hình và thất thoát tài nguyên, khoáng sản kim loại quý của nhà nước. Tuy nhiên, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trên lại không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện, xử lý dứt điểm.

Trước đó, tháng 8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Sở TN&MT Lâm Đồng có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh trong quản lý, bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc khai thác quặng vàng trái pháp luật tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng xảy ra trong thời gian dài, hằng ngày có nhiều người và máy móc hoạt động, nhộn nhịp khai thác đã đặt ra câu hỏi về vai trò trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản kim loại quý của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 24/12/2021, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc lấy ý kiến khu vực dự kiến đấu giá quyền khai thác khoáng sản là quặng vàng gốc tại Trà Năng 2, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng. Theo đó, có 2 khu vực được dự kiến đưa ra đấu giá quyền khai thác quặng vàng gốc tại xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng trong năm 2022, với tổng diện tích gần 24ha.

Khắc Lịch
.
.
.