Cẩn trọng với các hợp đồng “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”

Trả lãi theo ngày, giới thiệu công ty hoành tráng (bài 1)

Thứ Tư, 12/07/2023, 08:42

Sau vụ việc hàng trăm khách hàng có nguy cơ mất vốn hàng trăm tỷ đồng khi góp vốn vào Công ty cổ phần Tập đoàn NTea Việt Nam mới được Báo CAND phản ánh, Báo CAND lại tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của rất nhiều người ở các địa phương liên quan đến một số công ty khác cũng dưới hình thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vẫn dưới hình thức giới thiệu công ty hoành tráng, không chỉ trả lãi suất cao mà còn trả lãi và gốc theo ngày khiến không ít người dân nhẹ dạ cả tin đầu tư tiền “khủng”. Sau một thời gian ngắn nhận được tiền, các nhà đầu tư tá hỏa khi công ty dừng chi trả với nhiều lý do.

Tin vào lời giới thiệu công ty hoành tráng

Phản ánh đến Báo CAND, một nhóm đại diện cho hàng trăm nhà đầu tư ở khu vực tỉnh Hải Dương đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) cho hay qua giới thiệu, quảng bá của Công ty BĐS Nhật Nam mà cụ thể là Tổng giám đốc Vũ Thị Thúy thì đây là một doanh nghiệp lớn với tiềm lực khổng lồ. Công ty có hàng loạt tài sản đảm bảo có giá trị như: chuỗi nhà hàng, dịch vụ karaoke; công ty tài chính; các resort kinh doanh nhiều năm qua và hàng loạt bất động sản có giá trị ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Công ty cũng đang triển khai những chiến lược kinh doanh độc nhất thị trường và mục tiêu trở thành doanh nghiệp bất động sản đứng Top 5 tại Việt Nam. Chính vì những quảng bá, giới thiệu “hoành tráng” đó mà các nhà đầu tư này đã đổ tiền vào công ty qua các Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Bài 1: Trả lãi theo ngày, giới thiệu công ty hoành tráng -0
PV Báo CAND đang nghe những bức xúc của các nhà đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam ở khu vực tỉnh Hải Dương.

Để hiểu rõ hơn, PV đã về Hải Dương tìm gặp các nhà đầu tư này. Anh Nguyễn Văn Tứ (thôn Bỉnh Di, xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 18/1/2022, anh ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty BĐS Nhật Nam qua chi nhánh Hải Dương. Hợp đồng có thời hạn 24 tháng với lãi suất 7%/tháng. Số tiền đóng vào công ty của anh là 1 tỷ đồng, nhưng với chính sách ưu đãi của công ty anh được cộng thêm 100 triệu đồng vào tiền gốc nên tổng số tiền gốc của anh là 1,1 tỷ đồng. Theo các điều khoản của hợp đồng, mỗi ngày anh được trả cả gốc lẫn lãi 3,85 triệu đồng.

“Ngày 18/1 ký hợp đồng thì ngay ngày hôm sau tài khoản của tôi đã được chuyển 3,85 triệu đồng theo cam kết. Việc chi trả tiền theo ngày của công ty được thực hiện đến tháng 6, sang tháng 7 công ty thông báo chuyển sang chi trả theo tháng nhưng tôi cũng chỉ nhận được một lệnh chuyển tiền theo tháng vào tháng 8/2022. Từ đó đến nay đã hơn 8 tháng, công ty không trả bất kỳ một đồng nào nữa cả. Hầu như ai cũng chỉ được công ty chi trả thời gian đầu, chỉ lấy lại được khoảng 30% tiền gốc”, anh Tứ cho biết.

Cũng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty BĐS Nhật Nam, ông Trần Quốc Huy (số nhà 551 đường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) cho hay, vợ chồng ông cũng đã đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam số tiền 5,2 tỷ đồng. Ông Huy kể, qua lời giới thiệu của người quen, ông mới biết đến Công ty BĐS Nhật Nam này. Ban đầu, ông chỉ đầu tư thử 100 triệu đồng qua hợp đồng ký ngày 10/4/2022.

“Đầu tư thử 100 triệu thì thấy công ty chỉ trả cả gốc lẫn lãi rất đàng hoàng. Ngày nào tài khoản cũng nhận được chi trả theo đúng thỏa thuận. Đã làm thì phải làm lớn nên tôi quyết định huy động tiền của trong nhà đầu tư 5,2 tỷ đồng. Thế nhưng, không thể nghĩ được lại bị rơi vào cay đắng. Sau giai đoạn đầu công ty vẫn còn chi trả, tôi mới thu lại được khoảng 1,5 tỷ đồng. Của đau con xót, tôi đã lên Hà Nội gặp Tổng giám đốc Vũ Thị Thúy 4 lần nhưng không nhận được cách giải quyết”, ông Huy cho biết.

Hàng loạt vấn đề cần được làm rõ

Cũng là khách hàng góp vốn vào Công ty BĐS Nhật Nam, anh Lê Văn Chức (phường Quang Trung, TP Hải Dương) cho biết, sau khi công ty dừng trả tiền, sau rất nhiều lần hẹn gặp, ngày 17/5/2023 một số nhà đầu tư ở Hải Dương mới gặp được Tổng giám đốc Vũ Thị Thúy tại Hà Nội. Tại cuộc gặp này bà Thúy chỉ nói rằng, hiện nay công ty đang khó khăn, bất động sản xuống giá nên yêu cầu các nhà đầu tư nhẫn nại chờ công ty khôi phục trở lại. Đồng thời không cho bất cứ nhà đầu tư nào chấm dứt hợp đồng dù chính công ty là bên phá vỡ các quy tắc trong trong hợp đồng.

“Thời điểm 31/3/2023 công ty ra một thông báo chuyển đổi hợp đồng, nhà đầu tư sẽ chuyển sang ký một hợp đồng mới thay thế hợp đồng cũ với tên pháp nhân là một công ty mới với tên Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam. Vậy nhưng công ty lại không thông báo với khách hàng. Đây là sự vô trách nhiệm của Công ty BĐS Nhật Nam với các nhà đầu tư của mình. Thậm chí khi chúng tôi có ý kiến còn nhận lại được thách thức các nhà đầu tư như chúng tôi muốn kiện cáo gì thì cứ kiện. Có 2 lần chúng tôi lên Hà Nội để yêu cầu được đối thoại thì phía công ty cũng không thiện chí khi cho các đối tượng được gọi là nhân viên nhưng xăm trổ đầy người ra cản trở”, anh Chức bức xúc cho biết.

Theo anh Chức, phía Công ty BĐS Nhật Nam đã có rất nhiều sai phạm với các nhà đầu tư như: Không thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký; Không trả tiền cho nhà đầu tư mà chỉ đưa ra các lý do không thuyết phục như do dịch bệnh, do ngân hàng siết chặt cho vay, do khủng hoảng truyền thông; Không công khai minh bạch báo cáo tài chính…

“Với mỗi nhà đầu tư là hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng thì tổng số tiền mà các nhà đầu tư trên cả nước đã góp vào công ty là rất lớn. Không biết công ty có thực sự đã dùng tiền của nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh như công ty đã quảng bá là kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bất động sản, kinh doanh tài chính hay không. Hay công ty chỉ trả một phần cho nhà đầu tư, còn lại dùng vào việc khác. Chúng tôi hiện nay cũng không rõ các tài sản đảm bảo như nhà hàng, khách sạn, bất động sản trên khắp cả nước của công ty có thật hay không. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo được quyền lợi cho người dân chúng tôi”, anh Chức mong mỏi.

Để hiểu rõ hơn những gì mà các nhà đầu tư tố cáo Công ty BĐS Nhật Nam, từ ngày 22/6 đến nay, PV Báo CAND đã nhiều lần liên hệ với phía công ty để có buổi làm việc xác minh nội dung đơn thư của công dân. Tuy nhiên, phía Công ty nhiều lần trì hoãn buổi làm việc. Rất nhiều bộ phận tự giới thiệu là bộ phận Đối ngoại, Pháp chế, Truyền thông của Công ty BĐS Nhật Nam đã liên hệ với PV nhưng đều chỉ với mục đích gia hạn, trì hoãn với các lý do như Công ty đang chuyển văn phòng nên chưa sắp xếp được người trả lời; người đại diện Công ty bất động sản Nhật Nam có thể trả lời được thì lại bận… đi công tác.

P.Hoạt – N.Hương
.
.
.