“Tổ công tác đặc biệt” phát huy hiệu quả phát hiện khám, chữa bệnh trái phép
Thời gian qua, Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện kịp thời nhiều trường hợp quảng cáo trái phép các dịch vụ khám, chữa bệnh trên không gian mạng. Dù mới thành lập không lâu nhưng với việc phát hiện nhiều sai phạm đã chứng minh hiệu quả bước đầu trong quản lý, giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế trái phép, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.
“Truy tìm” quảng cáo trên mạng xã hội, phát hiện nhiều sai phạm
Mới đây, ngày 17/5, khi phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải quảng cáo “giảm béo chuẩn y khoa”, Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai quy trình phản ứng nhanh, kiểm tra địa chỉ 50-52 Ngô Quyền, phường 5, quận 10. Đại diện cơ sở xuất trình giấy phép đăng ký hộ kinh doanh mang tên ChungNam do ông B.Đ.L. làm chủ hộ kinh doanh do UBND quận 10 cấp ngày 19/3/2024.
Cơ sở này cung cấp các dịch vụ chăm sóc da (không phẫu thuật, không gây chảy máu) tại tầng 2 và tầng 4 của tòa nhà. Tại các tầng còn lại là cơ sở hoạt động của Công ty TNHH ChungNam Korea có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cấp ngày 9/5/2024, ông L.Q.N làm Giám đốc, ngành nghề hoạt động chính của cơ sở này là: các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xác nhận, đơn vị này chưa cấp bất kỳ một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nào tại địa chỉ 50-52 Ngô Quyền, phường 5, quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Kiểm tra thực tế, Đoàn ghi nhận tại đây treo nhiều bảng hiệu “ChungNam Medical Center”, hình ảnh bác sĩ, trang thiết bị y tế và nội dung quảng cáo “Hủy mỡ tầng sâu”, “Tầm soát béo phì công nghệ cao cùng bác sĩ chuyên gia đầu ngành” cùng các phòng chăm sóc da có trang bị thiết bị như, máy FSG 17 Laser OPT, Slim Pro Max Q88. Thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang chăm sóc da cho 2 khách hàng. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tháo gỡ các quảng cáo trái phép trên trang thông tin điện tử của cơ sở. Thanh tra Sở tiếp tục mời chủ hộ kinh doanh ChungNam và Công ty TNHH ChungNam Korea làm rõ các nội dung hoạt động tại cơ sở.
Trước đó, ngày 15/5, Tổ Công tác đặc biệt phát hiện trên không gian mạng quảng cáo hội thảo “Đại hội da liễu spa 2024” tại tầng 2 tòa nhà số 289 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần Quốc tế xuất nhập khẩu Nano Green tổ chức.
Kiểm tra đột xuất hội thảo, Đoàn kiểm tra phát hiện các tờ rơi, bảng quảng cáo có ghi “Bộ sản phẩm Misaki công nghệ đến từ Nhật Bản, đánh bật nám da - đầy sẹo”, “Điều trị tình trạng tăng sắc tố, kem dưỡng nám ức chế các sắc tố”… cùng với đó là thông tin giới thiệu một số “chuyên gia” trong nước và Nhật Bản. Điều đáng nói, doanh nghiệp này chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức hội thảo.
Đoàn kiểm tra yêu cầu, Công ty Cổ phần Quốc tế xuất nhập khẩu Nano Green ngừng ngay việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, gỡ bỏ nội dung quảng cáo mỹ phẩm tại hội nghị và trên trang thông tin điện tử của cơ sở.
Giúp người dân nhận diện cơ sở quảng cáo sai sự thật
Dù mới được thành lập từ trung tuần tháng 4/2024, nhưng đến nay Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về quảng cáo trái phép hoạt động khám, chữa bệnh trên không gian mạng. Sau đó, đơn vị này phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất và xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Điển hình việc phát hiện cơ sở chăm sóc da (spa) nhưng lấn sang các dịch vụ tiêm filler, botox, thực hiện thủ thuật có xâm lấn, tiêm tế bào gốc… hay cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp vùng nhạy cảm. Từ đó ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của người dân.
Mắc bệnh lý về máu, 5 năm qua, chị N.T.N (38 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) theo điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mới đây, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội, chị N. tìm đến Phòng khám LuxCell International Clinic (số 186 - 186A, Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3). “Đến phòng khám, tôi được kết nối với một bệnh nhân bệnh nặng hơn tôi, họ kể rằng nhờ tiêm tế bào gốc mà họ đã hết bệnh. Vì thế tôi đã tin tưởng và đóng 140 triệu đồng để tiêm tế bào gốc”, chị N. kể lại. Chỉ khi Đoàn kiểm tra Sở Y tế đến chị N. mới biết mình bị lừa.
Một trường hợp khác là bệnh nhân L.T.D (62 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) được các bác sĩ chẩn đoán xơ gan và hạn chế dùng thuốc trước đó. Qua theo dõi trên mạng xã hội Facebook, người bệnh tìm đến Phòng khám LuxCell International Clinic để được massage và điều trị đau nhức vùng lưng. Qua thời gian massage liệu pháp, người bệnh được nhân viên cơ sở này tư vấn tiêm thuốc giảm đau vào vùng lưng (không rõ loại) với giá 3,8 triệu đồng/lần tiêm.
Trong quá trình hoạt động của Tổ công tác đặc biệt, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều trường hợp tương tự, nhất là những người mong muốn làm đẹp hoặc đang mắc các bệnh mãn tính, bệnh "khó nói"... Để tránh tình trạng này, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân cảnh giác trước những thông tin quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook và TikTok. Đây là kênh các đối tượng xấu thường đăng tải thông tin sai lệch, vi phạm quy định về khám chữa bệnh để lừa đảo và trục lợi từ người bệnh.
“Khi phát hiện các quảng cáo trái phép, sai sự thật, có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực y tế, người dân có thể gọi ngay cho đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc tải thông tin lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thể kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.