Tìm giải pháp cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại huyện vùng núi tỉnh Phú Yên

Thứ Bảy, 28/08/2021, 07:14

Huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) những ngày gần đây, không chỉ đang vất vả nỗ lực chống dịch, mà nhiều nơi đang đối mặt với cơn… khát nước sinh hoạt.

Đến thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa bắt gặp hình ảnh người dân mang can nhựa, bình nhựa đến bể nước công cộng bên đường quốc lộ 19C để lấy nước. Nước chảy nhỏ giọt, nên nhiều người chờ đợi quá trưa vẫn chưa đến lượt, đành phải trở về.

Bà Mí Ran chia sẻ: “Cả nhà tôi có 5 người, nên từ mờ sáng đã phải thức dậy đi bộ gần nửa giờ để lấy nước, chờ đợi đến giữa buổi sáng mới có được can nước 10 lít, gùi về cho cả nhà sử dụng một ngày đêm, đến mờ sáng hôm sau tiếp tục đi lấy nước, nhưng đâu phải lúc nào cũng có”.

Trưởng thôn Hòa Ngãi – ông La Lang Tiếng cho biết, toàn thôn có 141 hộ gia đình người Chăm Hroi, tất cả đều sinh hoạt bằng nguồn nước sạch tự chảy ở cách trung tâm thôn 2-3km. Nguồn nước dẫn vào 4 bể chứa nước tại 4 khu dân cư, thế nhưng nắng nóng kéo dài, nước ở đầu nguồn cạn kiệt dần, nên lượng nước tích trữ được rất ít, trong khi đó tại mỗi bể chứa có hơn 100 người sử dụng nước sinh hoạt.

Tìm giải pháp cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại huyện vùng núi tỉnh Phú Yên -0

Người dân mang can nhựa, bình nhựa đến bể nước công cộng chờ đợi lấy nước nhỏ giọt. 

Thiếu nước sinh hoạt nên người dân tìm đến các con suối rất xa để tắm giặt, lượng nước lấy được từ bể chứa nước sạch dành để uống và nấu ăn. Do yêu cầu chống dịch COVID-19 nên dân quân phải thường trực tại các bể chứa nước để kiểm tra, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi lấy nước.

Ông Nguyễn Minh Hoài - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết: “Nằm ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở đây tái diễn từ nhiều năm qua. Hơn nửa năm nay không có mưa, hầu hết các giếng nước cạn kiệt, vì thế trong số hơn 600 hộ gia đình với gần 2.100 người dân, có hơn 40% gia đình thiếu nước sinh hoạt. Riêng thôn Hòa Ngãi có 90% gia đình thiếu nước nghiêm trọng”.

Không riêng xã Sơn Định, mà nhiều địa phương khác ở huyện Sơn Hòa cũng lâm cảnh… khát nước sạch. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa - ông A Lê Y Bớ cho biết, 1.450 gia đình ở các xã Sơn Định, Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Phước Tân, Cà Lúi… thiếu nước sinh hoạt.

Tại thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đã tái diễn hàng chục năm nay. Người dân tự thiết kế đường ống nhựa nhỏ dẫn nước từ các khe núi để sử dụng. Gần đây họ góp vốn khoan giếng, xây dựng hai bể chứa nước với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng tiết trời năm nay nắng nóng khắc nghiệt, nên nguồn nước giếng khoan cũng suy giảm, khiến cho người dân thiếu nước sinh hoạt. Tương tự, nhiều vùng nhiễm mặn ven biển thị xã Sông Cầu

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, có hơn 2.900 gia đình ở các huyện Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu thiếu nước sinh hoạt, vì thế phải đề xuất hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để giải quyết nguồn nước sinh hoạt ở những địa phương thiếu nước nghiêm trọng, đồng thời chỉ đạo các địa phương vận động người dân tiết kiệm nước, sử dụng máy lọc nước gia đình, hóa chất xử lý nước từ nguồn sông suối, ao hồ; trường hợp cấp bách sẽ huy động xe chuyên dụng của Công an, Quân đội chở nước cứu trợ địa bàn trọng điểm.

Đề cập đến giải pháp lâu dài để nhiều nơi ở Phú Yên không còn tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, Phú Yên đã đề xuất và được Trung ương đưa vào thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” (CRIEM), giai đoạn 2021-2025. Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp 6.500m3 nước mỗi ngày đêm cho 14.375 gia đình ở các xã Xuân Lãnh, Đa Lộc - huyện Đồng Xuân; Phước Tân, Cà Lúi, Krông Pa - huyện Sơn Hòa.

Bên cạnh đó, Phú Yên đăng ký tham gia thực hiện dự án “Nước sạch, vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022-2027 từ nguồn vốn vay WB để đầu tư thêm một số công trình cấp nước tập trung những nơi thường xuyên hạn hán, xâm nhập mặn gây ra thiếu nước sinh hoạt.

Mặt khác, các địa phương trong tỉnh cần chủ động đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung từ  nguồn vốn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp các nguồn vốn khác để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch; tiếp tục huy động các nguồn vốn hợp pháp khác từ các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1948/QĐ-UBND ngày 4/10/2017 của UBND tỉnh Phú Yên.

Hữu Toàn
.
.
.