Thủy điện phía thượng nguồn xả lũ bất ngờ khiến Phú Yên bị động

Thứ Bảy, 04/12/2021, 10:15

Sáng 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký quyết định công bố tình trạng rủi ro thiên tai do mưa lớn và lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/11 đến 1/12 thuộc cấp độ 3.

Liên quan đến đợt lũ lụt lịch sử này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế cho biết, sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công Thương tăng cường cơ chế giám sát quy trình xả lũ của các hồ chứa trên toàn lưu vực sông Ba vì trước đó vào ngày 30/11, nhiều thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ ào ạt xuống sông Ba nhưng không báo trước, trong khi lưu vực thủy điện Sông Ba Hạ nằm giữa địa phận hai huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh cũng có mưa rất lớn, lượng mưa trên 400mm.

“Với lưu lượng nước rất lớn từ các hồ thủy điện phía thượng nguồn sông Ba trút xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng trong bậc thang, chỉ riêng hai thủy điện Đăk Srông và Krông HNăng đổ qua tràn, xả lũ với lưu lương hơn 10.000 m3/giây. Khi hồ thủy điện Sông Ba Hạ không còn khả năng tích nước, buộc chúng tôi phải xin phép UBND tỉnh Phú Yên cho phép xả lũ với lưu lượng tăng dần để bảo đảm an toàn hồ, đập”, ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ chia sẻ.

7-2.jpg -0
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ.

Theo đó, từ 8h sáng đến 15h ngày 30/11, thủy điện Sông Ba Hạ liên tục tăng lưu lượng xả lũ từ 4.000 m3/giây lên 9.400 m3/giây, vì với dung tích 165 triệu m3, nhưng lưu lượng nước từ thượng nguồn trút xuống tới 30 triệu m3/giờ nên thủy điện Sông Ba Hạ không thể tích nước hoặc xả lũ với lưu lượng thấp sẽ gây hiểm họa an toàn hồ, đập. Bên cạnh thủy điện Sông Ba Hạ, UBND tỉnh Phú Yên cũng phải cho phép thủy điện Sông Hinh xả lũ xuống sông Ba với lưu lượng lớn. Thủy điện Sông Hinh có đập cầu chì. Nếu không cho xả lũ lưu lượng lớn thì mực nước hồ dâng cao vượt ngưỡng, đập cầu chì tự động nổ, lúc đó vùng hạ du sẽ đối mặt với nguy hiểm.

“Lũ lụt vùng hạ du Sông Ba từ ngày 30/11 đến 1/12 là rất lớn, nếu UBND tỉnh Phú Yên không điều hành xả lũ linh hoạt thì mức độ rủi ro do lũ lụt sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nhưng điều lạ lùng là trong đợt xả lũ vừa qua, các nhà máy thủy điện ở Gia Lai không hề thông báo khiến cho tỉnh Phú Yên hoàn toàn bất ngờ và bị động”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết.

Trước tình huống đó, trong chiều tối 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai quan tâm chỉ đạo các chủ hồ chứa thượng nguồn sông Ba vận hành, điều tiết, tích nước để giảm lũ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du. Ngay trong đêm 30/11, Bộ Công Thương đã yêu cầu các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên điều tiết một phần lưu lượng nước xả lũ, nếu không thì cả tỉnh Phú Yên sẽ ngập trong “biển nước”.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT ghi nhận, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã nắm bắt kịp thời diễn biến mưa lũ, triều cường để điều hành xả lũ linh hoạt của các hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh là phù hợp, nhưng nếu các chủ hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Ba chủ động hạ mực nước thì sẽ giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du mà vẫn bảo đảm an toàn hồ đập.

Trước câu hỏi giải pháp nào để vùng hạ du sông Ba không còn đối mặt với hiểm nguy trước những đợt lũ lụt lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế cho rằng, để giảm thiểu áp lực lũ lụt vùng hạ du, bên cạnh việc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện, về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng thêm các hồ chứa nước trên bậc thang sông Ba tích nước cắt lũ khi cần.

Hữu Toàn
.
.
.