Thiếu đất san lấp, nhiều công trình trọng điểm tại Đắk Lắk bất động

Thứ Năm, 09/05/2024, 08:20

Trữ lượng đất làm vật liệu san lấp công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khá lớn. Tỉnh này đã quy hoạch hàng chục mỏ đất để khai thác đất đắp, san lấp công trình nhưng do vướng thủ tục cấp phép nên không thể khai thác. Thiếu đất đắp, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh này đang chậm trễ tiến độ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk, hiện đơn vị này đang làm chủ đầu tư tổng cộng 61 dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và xây dựn

Thiếu đất san lấp, nhiều công trình trọng điểm tại Đắk Lắk bất động -0
Trước áp lực theo tiến độ, một đơn vị thi công khai thác đất trái phép.

g dân dụng. Trong tổng số các dự án do Ban QLDA làm chủ đầu tư có đến hàng chục dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm, vốn đầu tư rất lớn nhưng hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ. Có dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm vẫn chưa xong.

Cụ thể như Dự án đường tránh Đông Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 39km, được khởi công vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 1.512 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu đất đắp công trình dẫn đến tiến độ thi công ì ạch, đội vốn khiến chủ đầu tư phải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải để điều chỉnh chủ trương vốn từ 1.512 tỷ đồng lên 1.841 tỷ đồng. Thời gian cũng buộc phải điều chỉnh hoàn thành vào cuối năm 2023 lên cuối năm 2024, vận hành khai thác vào năm 2025.

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana nằm trên địa bàn 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết, huyện Lắk với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh cũng có nhu cầu đất đắp phục vụ dự án khoảng 142.000m³. Hiện dự án đã đắp được 89.000m³ và đang thiếu khoảng 53.000m³. Để đảm bảo khối lượng đất đắp, chủ đầu tư đã đề xuất 3 mỏ vật liệu để khai thác đất bao gồm: Mỏ vật liệu số 2 (xã Buôn Tría) và số 6, số 7 (xã Buôn Triết).

Thế nhưng, thủ tục cấp phép đang gặp nhiều vướng mắc nên đến thời điểm hiện tại, các mỏ nêu trên vẫn chưa được cấp phép khai thác. Trong khi đó, đến cuối năm 2024, dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, dự án này phải tạm dừng thi công ở một số gói thầu do không có nguồn đất đắp đê. Về phía các nhà thầu cũng đã cho rút hết máy móc, thiết bị và con người khỏi công trường.

Ông Nguyễn Tài Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA thừa nhận, hầu hết các dự án xây dựng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều thiếu nguồn đất đắp và nếu không tháo gỡ được những khó khăn này nhiều công trình sẽ không đảm bảo tiến độ, thậm chí dự án bị cắt nguồn vốn. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ đất đủ điều kiện để khai thác, thủ tục cấp mỏ chưa xong. Nhu cầu đất đắp lớn nhưng hiện các đơn vị thi công rất khó khăn tiếp cận nguồn vật liệu đắp nền, do đó tiến độ chậm so với kế hoạch. Theo phản ánh của các đơn vị thi công, do nguồn đất san lấp hiếm nên giá cao quá”, ông Minh thông tin.

Vì thiếu hụt nguồn đất đắp công trình, thời gian gần đây tại tỉnh Đắk Lắk liên tục xảy ra tình trạng khai thác trộm đất, cát. Thậm chí có nhà thầu vì áp lực tiến độ đã tự ý khai thác mỏ đất để san lấp công trình khi chưa đủ điều kiện. Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH thương mại - dịch vụ An Đông đưa máy múc và xe tải tiến hành khai thác đất trái phép tại khu đất thuộc Buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar để lấy đất san lấp tại dự án đường tránh Đông Buôn Ma Thuột.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can Nguyễn Hồng Trường (SN 1989, trú tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk) và Đoàn Hồng Trí (SN 1970, kỹ sư phụ trách quản lý đào đắp, vận chuyển đất của Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam) về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”. Theo Cơ quan điều tra, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 6/2023. Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam và 5 công ty khác thi công đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắk với chiều dài 33km. Theo hồ sơ thiết kế, quá trình thi công, Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam phải bóc phần đất không thích hợp để đổ vào khu vực bãi thải. Sau đó, phần đất này được bàn giao lại cho địa phương để quản lý, sử dụng.

Theo quy định, ngoài đơn vị thi công cao tốc thì các tổ chức, cá nhân không được phép khai thác, chở đất ra ngoài khu vực cao tốc. Tuy nhiên, cuối tháng 12/2023, Nguyễn Hồng Trường đã tìm gặp và làm quen với Đoàn Hồng Trí thỏa thuận việc khai thác đất ở dự án. Trường đã đưa cho Trí 3 lần tổng cộng 25 triệu đồng và được Trí đồng ý cho khai thác hơn 670m³ đất chở đi bán.

Nghịch lý là hầu hết các dự án, công trình “đói” nguồn đất đắp thì hàng chục mỏ đất đã quy hoạch làm vật liệu san lấp tại tỉnh Đắk Lắk vẫn không thể khai thác. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, về việc quy hoạch mỏ vật liệu, UBND tỉnh đã có quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó có 59 khu vực đất san lấp, diện tích 291ha, trữ lượng dự báo khoảng hơn 20,3 triệu m³. Với trữ lượng này sẽ bảo đảm nguồn đất đắp cho các dự án lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong số 59 mỏ đất có 20 mỏ phải thông qua đấu giá khoáng sản, 24 mỏ không thông qua đấu giá, các mỏ còn lại chưa xác định được hình thức. Tuy nhiên, quy trình thời gian để cấp phép một mỏ đất hiện nay cần rất nhiều thời gian, do đó một số dự án có thể bị chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Luật Đất đai, nếu mỏ đất san lấp là một hạng mục của dự án thì sẽ dễ triển khai thu hồi đất để khai thác. Thế nhưng hiện nay, do mỏ đất đắp không phải là một hạng mục của dự án nên phải thực hiện theo Luật Khoáng sản thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Thiên Văn đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần xem xét đưa mỏ đất làm vật liệu san lấp thành một hạng mục dự án. Khi đó thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ do UBND tỉnh thực hiện sẽ dễ triển khai hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Thiên Văn, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk chưa có đơn vị nào thực hiện hoạt động khai thác mỏ khoáng sản nên thị trường không có nguồn cung dẫn tới tình trạng khan hiếm đất phục vụ công trình, dự án. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác đất sai quy định trong thời gian qua, khiến tăng giá công trình lên cao.  Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã giao sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký khai thác đất đắp để bảo đảm nguồn cung trên thị trường, góp phần giảm chi phí đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Văn Thành
.
.
.