Thấy gì từ hoạt động “tận thu” đất ở Thanh Hoá?

Chủ Nhật, 09/06/2024, 09:58

Mặc dù việc “tận thu” đất làm vật liệu san lấp đã được UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép, song quá trình thực hiện phát sinh khá nhiều hệ lụỵ. Trong đó điển hình nhất là khai thác đất không đúng phương án đã phê duyệt, còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ tiềm ẩn về an toàn giao thông đường bộ.

Thời gian qua, tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, có những thời điểm, chỉ trong khoảng 1km chiều dài dọc theo đường Hồ Chí Minh nhưng có đến 4 vị trí “tận thu” đất làm vật liệu san lấp. Theo quan sát của phóng viên, cơ bản các điểm “tận thu” đất nói trên đều lấy đất từ các ngọn đồi thấp dọc đường Hồ Chí Minh, thậm chí có những ngọn đồi đang trồng keo lai chưa đến kỳ thu hoạch cũng được phá đi để lấy đất.

Nhìn chung, hoạt động “tận thu” đất mang lại lợi ích cho các gia đình có đất là được mở rộng thêm mặt bằng vườn nhà; giải quyết nguồn vật liệu san lấp cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng; Nhà nước thu được nguồn thuế tài nguyên… Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có không ít hệ lụy kéo theo như ô nhiễm khói bụi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thấy gì từ hoạt động “tận thu” đất ở Thanh Hoá? (thiếu ảnh) -0
Một quả đồi thấp được UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép “tận thu” đất tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để được “tận thu” đất, các doanh nghiệp đã thực hiện khá nhiều thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật từ cấp thôn, xóm đến xã, huyện và cuối cùng là cấp tỉnh. Trong các văn bản cho phép “tận thu” đất, UBND tỉnh Thanh Hoá luôn yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ như: Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nghĩa vụ tài chính có liên quan; thực hiện “tận thu” đất theo đúng phương án đã được phê duyệt (cắt tầng, bạt ngọn); đảm bảo tiến độ, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, sử dụng đất thừa không đúng mục đích…

Thế nhưng, trung tuần tháng 5/2024, có mặt đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tại làng Bài, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, chúng tôi chứng kiến đoàn xe tải rầm rập ra vào vị trí “tận thu” đất của một doanh nghiệp. Thời điểm chúng tôi có mặt, do thời tiết mới mưa xong, mỗi khi xe tải vận chuyển đất từ điểm “tận thu” ra đường Hồ Chí Minh đều kéo theo đất dính từ bánh xe bắn tung toé lên mặt đường. Mặc dù phía doanh nghiệp đã thuê người dân ở gần đó quét dọn đất rơi vãi trên mặt đường Hồ Chí Minh, thế nhưng việc quét dọn không xuể, bởi xe ra vào liên tục, đất rơi vãi nhanh chóng bị nghiền nát trở thành bụi bẩn bay mù mịt.

Đáng chú ý, mới đây, đoàn liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&M) tỉnh Thanh Hoá tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các điểm “tận thu” đất trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, gần như các đơn vị tận thu đều có vi phạm.

Thấy gì từ hoạt động “tận thu” đất ở Thanh Hoá? (thiếu ảnh) -0
Xe tải vận chuyển đất rơi vãi dọc đường Hồ Chí Minh gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.

Tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Công ty TNHH Vận tải xây dựng Đăng Khoa “tận thu” đất tại 3 hộ gia đình điền kề, gồm: Ông Hà Văn Chuyển, ông Hà Văn Phận và bà Lê Thị Nghĩa. Qua kiểm tra cho thấy, đơn vị chưa có văn bản báo cáo về UBND thị trấn Sao Vàng, UBND huyện Thọ Xuân để nghiệm thu, xác nhận hoàn thành phương án; chưa cung cấp tờ khai quyết toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng tận thu theo quy định; chưa cung cấp được các hồ sơ, văn bản (Đăng ký thời gian thi công, phương tiện thi công, vận chuyển với chính quyền địa phương; hồ sơ, sổ sách, khối lượng đất tận thu, hóa đơn chứng minh khối lượng đất thừa đã tận thu, công trình tiếp nhận đất thừa; chứng từ nộp tiền, thuế, phí liên quan...).

Kiểm tra việc tận thu của Công ty TNHH Hùng Quân TH tại 4 hộ gia đình, gồm: Ông Nguyễn Văn Lân, ông Phạm Văn Hợi, ông Phạm Văn Điệp và bà Phạm Thị Hương đều trú tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, việc bạt mái taluy, cắt tầng chưa đảm bảo theo phương án được duyệt. Ngoài ra, vị trí giáp ranh khu vực cải tạo (tại phía Nam và Tây khu vực) đã có hoạt động san gạt, cải tạo làm đường. Vi phạm này đã được UBND xã Xuân Phú kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông Phạm Văn Hợi vì đã có hành vi vi phạm lấn chiếm, hủy hoại đất.

Công ty TNHH Năm Phong được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép cho tận thu đất tại 4 hộ gia đình, gồm: Ông Phạm Văn Chiến, ông Phạm Tiến Ninh, bà Bùi Thị Nhu và ông Phạm Văn Sự cùng trú xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều vị trí trong khu đất của 4 hộ gia đình chưa được san gạt, mặt bằng nhấp nhô, chưa bạt mái taluy, cắt tầng theo phương án được chấp thuận. Kiểm tra cho thấy, vị trí giáp ranh giới khu vực cải tạo của hộ gia đình ông Phạm Văn Sự (về phía Nam, Tây Nam) đã có hoạt động san gạt, cải tạo đất. UBND xã Xuân Phú đã kiểm tra và có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 12/1/2024 đối với hộ gia đình ông Phạm Văn Sự vì đã có hành vi tự ý san gạt đất nông nghiệp làm biến dạng hình thể thửa đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Công ty TNHH Xây dựng thương mại Vân Dũng được thực hiện Phương án hạ thấp độ cao tạo mặt bằng tại hộ gia đình anh Lê Văn Hiện tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và gia đình Trịnh Ngọc Hải tại thị trấn Sao Vàng (trước đây là xã Xuân Thắng). Qua kiểm tra, hiện trạng khu đất của hộ gia đình ông Hải có nhiều vị trí chưa được san gạt, mặt bằng nham nhở; khu đất của cả 2 hộ gia đình chưa bạt mái taluy, cắt tầng theo phương án được chấp thuận. Đơn vị chưa cung cấp được các hồ sơ, văn bản gồm: Đăng ký thời gian thi công, phương tiện thi công, vận chuyển với chính quyền địa phương; hồ sơ, sổ sách, hóa đơn chứng minh khối lượng đất thừa đã tận thu, công trình tiếp nhận đất thừa; chứng từ nộp tiền, thuế, phí liên quan....

Phương án hạ thấp độ cao tạo mặt bằng xây dựng nhà ở và trồng cây lâu năm tại 4 hộ gia đình, gồm: Ông Lê Hữu Đại, ông Hà Văn Biến, ông Hà Văn Trọng và ông Hà Văn Luân ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân được UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép Công ty TNHH Ngọc Sơn Sao Vàng thực hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy, theo tờ khai quyết toán thuế, khối lượng đất thải đã tận thu đến thời điểm kiểm tra là 71.500m³ (tương đương 55.426m³ đất ở trạng thái tự nhiên). Đơn vị đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng 30.000m³ đất san lấp; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng còn lại. Ngoài ra, đơn vị chưa có văn bản báo cáo về UBND thị trấn Sao Vàng, UBND huyện Thọ Xuân để nghiệm thu, xác nhận hoàn thành phương án; chưa cung cấp được các hồ sơ, văn bản gồm: Đăng ký thời gian thi công, phương tiện thi công, vận chuyển với chính quyền địa phương; hồ sơ, sổ sách, hóa đơn chứng minh khối lượng đất thừa đã tận thu, công trình tiếp nhận đất thừa.

Trước thực tế trên, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu, san gạt, cải tạo khu đất theo phương án đã được phê duyệt. Giao UBND huyện Thọ Xuân, UBND thị trấn Sao Vàng và UBND xã Xuân Phú đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, đảm bảo phương án đã được chấp thuận.

Trần Thắng
.
.
.